“Sức khỏe” Eurozone ám ảnh thị trường vàng, dầu

Thời gian gần đây, vàng luôn bám sát các tài sản rủi ro và đã lập mức cao nhất trong hai tuần (1.660,6 USD/ounce) trong phiên 26/4 nhờ những thống kê khả quan về thị trường nhà đất Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết sẽ tiếp tục triển khai chính sách nới lỏng nếu nền kinh tế đi xuống.

Jeremy Friesen, chiến lược gia về hàng hóa tại ngân hàng Societe Generale chi nhánh Hong Kong, nhận định thống kê về kinh tế Mỹ sẽ yếu hơn dự đoán của thị trường, nhưng tâm điểm đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vẫn là tình trạng bất ổn tại châu Âu.

Vào lúc 13 giờ 22 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3 % xuống 1.652,6 USD/ounce, nhưng vẫn tăng 0,7 % nếu tính chung cả tuần này. Theo chuyên gia Friesen, chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ sẽ giúp củng cố tâm lý trên thị trường, mặc dù đồng USD mạnh là một rào cản.

Trên thị trường vàng châu Á, hoạt động giao dịch khá trầm do vàng đã không bứt phá khỏi biên độ vốn đã duy trì trong hơn một tháng qua. Theo các nhà giao dịch, nhu cầu mua vàng vật chất sẽ tăng nếu giá trượt xuống mốc 1.620 USD/ounce.

Vẫn là xu hướng đi xuống lúc đầu phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 6/2012 trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 27/4 giảm 56 xu xuống 103,99 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 48 xu xuống 119,44 USD/thùng.

Ken Hasegawa, cán bộ quản lý tại công ty môi giới Newedge nhận định việc Standard & Poor's (S&P) hạ mức xếp hạng nợ công của Tây Ban Nha đã tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ, kéo giá dầu xuống và làm suy yếu đồng euro. S&P dự báo nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ rơi vào vùng âm trong năm 2012 và 2013, và cảnh báo ngân sách của nước này đang ngày một tồi đi.

Thị trường lo rằng Tây Ban Nha sẽ dẫm phải vết chân của Hy Lạp và châm ngòi cho một đợt hỗn loạn mới trên thị trường, ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng của thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, những thống kê không mấy khả quan về các ngân hàng hàng đầu tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng gây sức ép với tâm lý nhà đầu tư.

Giá cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Đức Deutsch Bank cùng ngân hàng Santander (Tây Ban Nha) đã giảm hơn 3% ở thời điểm cuối phiên 26/4, sau khi hai ngân hàng này thông báo làm ăn sa sút.

Trong một thông tin có liên quan, ngày 27/4 Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này trong quý I/2012. Hầu hết các chuyên gia phân tích đều dự báo GDP của Mỹ ước tăng 2,5% trong quý I/2012, so với mức tăng 3% của quý IV/2011. "Sức khỏe" kinh tế Mỹ luôn được thị trường năng lượng theo dõi sát sao vì Mỹ là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất hành tinh.

Theo Hương Giang (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm