1.000 bác sĩ về cơ sở, gỡ quá tải tuyến trên

“Ngay bây giờ, có bệnh thì chạy ra trạm y tế phường gần đó, gặp tai nạn nghiêm trọng phải sơ cứu cầm máu ban đầu mà mất mấy chục phút đi đường, vượt xa lộ lên bệnh viện (BV) lớn thì có khi mạng sống không giữ được” - vợ anh Phạm Hữu Duy (KCN Bình Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM) kể lại sau khi đưa chồng đến Trạm y tế phường Bình Chiểu tái khám.

Khi bác sĩ về phường

Sáng 15-4, anh Duy chạy xe từ nhà trọ đến KCN Bình Chiểu làm việc nhưng không may lên cơn đau tim, choáng váng ngã ra đường, bị xe máy phía sau chèn qua người. Lúc tỉnh dậy anh được cho biết mình bị ngã xe máy gãy tay. “Từ trước đến nay, mỗi lần khám tim định kỳ tôi đều lên BV quận và Viện Tim khám. Lúc bị tai nạn tỉnh dậy tôi chỉ nghĩ mình đang nằm ở trên quận, hỏi ra mới biết bác sĩ phường Bình Chiểu hôm đó ở trên quận xuống, thăm khám đã kịp thời cứu mình. Bây giờ, có bệnh thì tôi ra trạm y tế phường gần nhà. Nhớ lại hôm đó nếu phải đi cả chục cây số lên BV quận Thủ Đức thì có lẽ hôm nay tôi đã có chuyện không hay rồi” - anh Duy nói.

Trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn, bà cụ Phùng Thị Thế (62 tuổi), phường Thảo Điền cùng con gái là chị Lê Chi Bích (34 tuổi) đến trạm y tế phường Thảo Điền khám bệnh. “Mẹ tôi đến kiểm tra huyết áp, rồi xem răng có vấn đề gì không mà mấy bữa nay đau rất khó nhai. ở trạm y tế có luôn phòng khám nha khoa khá tiện. Kiểm tra tổng hợp sức khỏe xong khám răng luôn đỡ phải đi đâu xa” - chị Bích cho hay khi trước mỗi tháng định kỳ đều đưa mẹ vào BV Thống Nhất phải mất một buổi may ra mới xong, vừa mệt vừa mất thời gian. Khám ở trạm phường có bác sĩ trên quận xuống, không khí thoáng mát dễ chịu, lại gần nhà.

BV quận Thủ Đức là một trong các bệnh viện đầu tiên ở TP.HCM thực hiện chia sẻ nguồn lực bác sĩ BV quận xuống trạm y tế phường, xã và bước đầu có hiệu quả. Sau BV quận Thủ Đức là BV quận 2. Việc tăng cường nhân lực y tế cho trạm y tế không chỉ giải quyết được những ca cấp cứu mà hình ảnh bác sĩ trạm đang ngày càng chiếm được lòng tin từ người dân.

Bác sĩ tuyến quận được đưa về trạm y tế phường Hiệp Bình, quận Thủ Đức (TP. HCM) khám sức khỏe cho người dân. ẢNH: HẢI ÂU

Nâng chất để người dân tìm đến

Theo BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, tuy đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại cho các trạm y tế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhân lực. Ban đầu chưa thu hút nhiều người bệnh nhưng gần đây, khi người dân nắm được quy định về thông tuyến khám BHYT thì khi khám ở BV quận, huyện hay ở trạm cũng được hưởng quyền lợi như nhau, cộng thêm uy tín các bác sĩ được chia sẻ từ BV quận xuống nên nhiều người dân sẽ có cái nhìn khác hơn với trạm y tế phường.

Là nơi đi đầu và qua ba năm thực hiện mô hình này, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, chia sẻ xuất phát từ thực tế là trước đây ở các trạm y tế, bác sĩ chỉ lo công tác phòng, chống dịch mà thiếu bác sĩ khám chữa bệnh cho dân, cộng thêm đặc thù quận là nơi có khá nhiều công nhân, sinh viên tạm trú làm việc học tập, nếu chỉ đau bụng, buồn nôn mà phải mất thời gian đi đến BV lớn chờ đợi, lấy số thì rất thiệt. “Bởi vậy, việc cải thiện chất lượng trạm y tế, đẩy mạnh nhân lực y bác sĩ về tuyến dưới để tạo niềm tin cho người dân cũng là giúp giảm tải tuyến trên một cách hiệu quả” - BS Quân nhấn mạnh.

Cuối năm 2015, BV quận 2 đã cử 10 bác sĩ thuộc các chuyên khoa bác sĩ gia đình, nội tổng hợp, nội tim mạch, mắt, chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt... về công tác tại ba trạm y tế phường Thảo Điền, Bình Khánh và Thạnh Mỹ Lợi. Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, các bác sĩ nhận nhiệm vụ về các trạm y tế vẫn sẽ được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước như tại BV. Mỗi bác sĩ thực hiện một nhiệm vụ tại trạm y tế phường trong một năm, sau đó sẽ được tiến hành luân phiên.

“Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ sẽ tìm hiểu, nếu bà con cần thêm nhu cầu ở chuyên khoa nào chúng tôi sẽ tăng cường thêm nhân lực chuyên khoa đó về cho người dân” - BS Khanh nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, tuy mới triển khai đưa bác sĩ tuyến quận về trạm y tế chưa đầy một năm, BV quận 2 đã nhanh chóng trang bị máy móc hiện đại phục vụ khám bệnh như máy siêu âm, đo điện tim… Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các trạm khá thuận lợi.

Đưa 1.000 bác sĩ về y tế phường, xã vào năm 2018

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo kế hoạch của TP, từ nay đến năm 2018 sẽ phấn đấu đưa khoảng 1.000 bác sĩ quận, huyện về trạm y tế phường, xã khám chữa bệnh. Đến năm 2020, con số trên sẽ tăng lên 2.000 người. Ban đầu, tuyến trạm sẽ thực hiện khám chữa bệnh loại nhẹ, thông thường nhưng sau đó từng bước tiến tới bệnh lý chuyên khoa. Sau BV quận 2 và Thủ Đức, các BV quận Tân Phú, Tân Bình khi năng lực tốt rồi cũng sẽ hướng tới hỗ trợ cho các trạm y tế, dần dần tiến đến việc hỗ trợ nhân lực cho trạm y tế 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Bệnh nhân được cấp phát thuốc ngay sau khi khám bệnh và tất nhiên quyền lợi không khác gì so với khi đi khám tại BV, kể cả khám bằng BHYT. Nhờ đó, ngoài số lượng bệnh nhân đến khám ở trạm đông hơn, uy tín được nâng cao lại có thể giúp giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, giảm tải phần nào cho các BV tuyến trên.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm