15 tiếng ghép gan ông nội cho bé sinh non ba tháng

Bệnh nhân là bé DCM (sinh tháng 2-2018, ngụ quận 3, TP.HCM) sinh non khi mới ngoài sáu tháng tuổi do vỡ ối sớm. Ngoài bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, bé còn bị bệnh teo đường mật bẩm sinh. Dù đã được phẫu thuật thay đường mật mới nhưng tình trạng diễn biến xấu nên bé nên được chuyển BV Nhi đồng 2 điều trị.

Ngày 3-6-2019, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận bé trong tình trạng bị viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong sớm nếu không được ghép gan. Người cha sẵn sàng cho gan bé nhưng gan bị nhiễm mỡ không phù hợp nên ông nội bé (56 tuổi, ngụ Tây Ninh) đã không ngần ngại cho gan để cứu sống cháu mình. 

Bé M. tươi tỉnh sau ca ghép gan. Ảnh: KD

Ca ghép gan diễn ra vào ngày 18-6-2019, kéo dài 15 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm với nhiều diễn biến phức tạp từ việc bóc tách thùy gan của người cho đến khi ghép vào cơ thể của người cháu. Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông nên êkíp phẫu thuật phải lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối. Nhờ vậy mạch máu không bị gập, mạch máu lưu thông tốt.

Tuy nhiên, vấn đề gây trở ngại tiếp theo là bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng nên êkíp phẫu thuật phải nong ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque - một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài về phục vụ ca phẫu thuật.

Ca ghép gan diễn ra trong 15 tiếng căng thẳng. Ảnh: BVCC

Hiện tại, sau ghép hai tháng, bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen xạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng, ông nội bé, cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.

Từ thành công của các ca ghép tạng nhi tại bệnh viện, nhân dịp này BS CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết hơn 10 năm qua, bệnh viện đã thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 12 ca ghép gan, tuy nhiên số ca ghép tạng còn rất “khiêm tốn” so với nhu cầu cần ghép thật sự của các bệnh nhi bị suy gan, suy thận.

Lý do là các bệnh nhi và gia đình không đủ khả năng tài chính để “theo đuổi” việc ghép tạng. Chi phí cho một ca ghép tạng có thể tốn kém từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. BS Tùng kêu gọi các cá nhân, tổ chức chung tay thành lập “Quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo” để có thêm nhiều bệnh nhi có cơ hội được cứu sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Mong rằng quỹ này sẽ hỗ trợ cho gia đình các bé những vấn đề liên quan đến tài chính để gia đình có thể an tâm “chiến đấu” cùng con, không chỉ là trong quá trình ghép tạng mà còn chặng đường dài chống thải ghép, hồi phục… sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm