'Bác sĩ đã cho vợ tôi mạng sống thứ 2'

Các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho sản phụ bị thuyên tắc phổi khi tính mạng chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước đó, vào ngày 25-6, vợ chồng anh Phan Văn Huy (43 tuổi) và chị NTT (38 tuổi) vào Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) để chờ sinh đứa con trai thứ 3.

Anh Huy và chị T. từng có hai con 11 tuổi và 6 tuổi với tiền sử bị băng huyết khi sinh. Lần sinh con thứ 3, đi siêu âm tại BV ở địa phương, chị T. được cho biết bị nhau tiền đạo (nhau thai bám ở vị trí bất thường), cần phải hạn chế đi lại, nằm nhiều để dưỡng thai.

Lo ngại thai kỳ gặp bất trắc, khi thai được 35 tuần tuổi, anh chị lên BV Từ Dũ thăm khám và quyết định sẽ sinh ở đây cho yên tâm. Đến tuần thứ 38, chị nhập viện để chờ sinh. Thời điểm này, xác định thai kỳ có nguy cơ tai biến cao, các bác sĩ đã thăm khám, hội chẩn và lên kế hoạch mổ cho sản phụ.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ trao hoa chúc mừng chị T

Hai vợ chồng được tư vấn rất kỹ về nguy cơ băng huyết, mổ khó, thậm chí thuyên tắc mạch trên nền bệnh nhân có nhau tiền đạo từng ra huyết, nằm nghỉ ngơi nhiều trước khi sinh.

Tuy nhiên, khi bước vào cuộc mổ, các bác sĩ cũng không ngờ tai biến lại xảy ra rất nhanh và đột ngột, tưởng chừng không thể giữ lại tính mạng cho sản phụ.

Chỉ đạo ê kíp mổ cho sản phụ, Phó giám đốc BV Từ Dũ, BS CK2 Hồng Công Danh cho biết sản phụ được gây mê mổ lấy thai với mạch, huyết áp ổn định. Tuy nhiên, khi vừa lấy thai ra khỏi tử cung, sản phụ lập tức tím ngay trên bàn mổ, mạch tăng lên nhanh, huyết áp tụt.  

Ngay lập tức, các bác sĩ phải tiến hành hồi sức cho bệnh nhân bằng cách thay nhau liên tục nhồi tim, hồi sức, cầm máu cho sản phụ.

BV cũng kích hoạt báo động đỏ nhờ BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ. Kết quả siêu âm tim trên bàn mổ cho thấy thất phải của sản phụ giãn lớn. Bên cạnh đó, máu đỏ chuyển dần thành máu đen do không có sự trao đổi khí CO2 ra ngoài. Đây là cơ sở các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi. Phải mất 50 phút cấp cứu và hồi sức, sản phụ mới tạm thời vượt qua nguy kịch, mạch ổn định và huyết áp được nâng lên.

Trong thời gian này, người chồng cũng được thông báo để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất của vợ và được cho phép vào phòng mổ để chứng kiến.

Theo BS Danh, tình trạng thuyên tắc phổi khiến cho bệnh nhân bị rối loạn đông máu, phẫu thuật cầm máu rất khó khăn. Trải qua 3,5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ mới hoàn tất thao tác cuối cùng. Sau khi mổ, sản phụ được chuyển về buồng hồi sức tích cực, tiếp tục được thở máy và truyền yếu tố cầm máu, bồi hoàn điện giải, điều chỉnh toan hóa máu. Đến chiều ngày 27-6, sản phụ bắt đầu mở mắt, tỉnh và cai máy thở, hồi phục khá tốt sau ca mổ.

Chiều ngày 3-7, nhận bó hoa chúc mừng của BV Từ Dũ, nụ cười luôn thường trực trên môi vợ chồng chị T. Chị T. xúc động chia sẻ: “Nhờ ơn cứu mạng của các bác sĩ, nếu không tôi đã không còn trên cõi đời này để nhìn mặt chồng con nữa”.

Chứng kiến giây phút sinh tử của vợ trong phòng mổ, anh Huy chia sẻ: “Lúc đó thấy các y bác sĩ rất đông, mười mấy đến 20 người, mỗi người cùng tất bật cấp cứu cho tim vợ tôi đập trở lại, tôi rất lo sợ vợ tôi sẽ không sống nổi. Vợ tôi coi như chết mà sống lại được, đây cứ như là kỳ tích. Các bác sĩ phải nói là đã cho vợ tôi hai mạng sống”.

Hai vợ chồng anh Huy và đứa con chào đời khỏe mạnh sau ca phẫu thuật do bị thuyên tắc ối - Ảnh: HL

Tham gia ca phẫu thuật cho sản phụ, BS CK2 Vương Đình Bảo Anh, Trưởng khoa Sản A BV Từ Dũ cho biết thuyên tắc phổi là một trong những nỗi ám ảnh của bác sĩ sản khoa. Nó thường xảy ra đột ngột, có nguy cơ tử vong cao, nếu bác sĩ không đủ kinh nghiệm trong xử lý.

Theo BS Bảo Anh, phụ nữ có thai thay đổi nhiều về mặt sinh lý, làm tăng nguy cơ cho các bệnh lý khác kèm theo. Trong đó, thai lớn làm chèn ép vùng chậu, mạch máu chi, máu dồn về tim chậm lại dễ dẫn đến hình thành mảng huyết khối.

Nhóm nguy cơ bị mảng huyết khối nhiều nhất là sản phụ có bệnh lý tiền sản giật, tim mạch, đái tháo đường, có vết mổ nhiều lần. Đặc biệt, các sản phụ có nhau tiền đạo thường sợ di chuyển sẽ chảy máu nên nằm nhiều hơn. Chính điều này làm cho lưu thông máu bị cản trở, tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Sau khi mổ bắt con, tử cung co lại, giải phóng sự chèn ép ở vùng chậu làm lưu lượng máu tăng lên có nguy cơ đẩy mảng xơ vữa, máu đông nếu có ở thành mạch lên tim, hoặc đẩy lên phổi gây nên bệnh cảnh thuyên tắc phổi hoặc ngưng tim đột ngột.

BS Bảo Anh khuyến cáo các thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ trong những tháng cuối thai kỳ cần khám thai định kỳ để được các bác sĩ tư vấn nghỉ ngơi hợp lý. Từ đó, các bác sĩ có kế hoạch theo dõi sát và dự phòng khi sinh. Quan điểm các thai phụ “treo chân” (chỉ nằm nghỉ ngơi một chỗ) để giữ thai hiện không còn phù hợp trừ một số trường hợp đặc biệt. Các trường hợp có biểu hiện như chân phù có thể được cho làm siêu âm chi dưới xem có xơ vữa, mảng huyết khối không để có biện pháp dự phòng tiếp theo. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.