Bái bai 'chặt chém' nơi bệnh viện

Sáng đầu tháng 6, một góc nhỏ khu vực khám chữa bệnh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 nhộn nhịp hơn . Khác với công việc thường ngày là chạy qua bên kia đường mua bỉm, mua thức ăn cho con mình, hôm nay thân nhân tại BV Nhi đồng 1 chỉ việc đi vài bước ra khu khám chữa bệnh mua đồ dùng.

Bán hàng đúng giá

Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ Sóc Trăng) cho hay cháu ngoại bà bị bỏng, nằm điều trị tại BV đã gần một tháng nay. Mẹ cháu lo chi phí, theo dõi điều trị, còn bà lo chăm sóc cháu. “Thân già đã gần 65 tuổi, một lần đi ra đường ở TP là tui sợ dữ lắm, mua cái chai nước người ta nói hai chục ngàn, mình biết nó có năm ngàn mà đâu dám trả giá, sợ họ làm dữ lên. Bởi vậy có cái siêu thị gần chỗ khoa bỏng, đi xuống mấy bước nó đỡ biết bao nhiêu. Biết giá mới mua, đồ thì rẻ, sạch đẹp” - bà Bảy mộc mạc nói.

Trước BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đầu năm 2016 BV Hùng Vương thay đổi căn tin bằng mô hình phục vụ “Hùng Vương shop”. Bên trong có đầy đủ mặt hàng cần thiết cho người bệnh, sản phụ và thân nhân người bệnh trong thời gian lưu trú tại BV, điều đặc biệt là khách hàng được phục vụ không khác gì ở các siêu thị với giá niêm yết đúng như siêu thị.

Theo quan sát tại khu vực trước cổng và vỉa hè BV Hùng Vương, sau vài tháng đưa vào triển khai siêu thị mini thì vấn đề an ninh trật tự tại đây khá ổn định. Không còn cảnh người nhà bệnh nhân bát nháo mua hàng vào giờ cao điểm gây lộn xộn như trước.

Bệnh nhân mua hàng tại siêu thị mini BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HA

“Tôi chưa được trải nghiệm nhưng nếu có siêu thị mở 24/24 giờ trong BV thì rất tuyệt. Tôi vẫn nhớ cách đây một năm trước, khi vợ tôi bị thai lưu phải vào bệnh viện gần một tuần cho bác sĩ theo dõi. Đêm đó tầm 22 giờ, vợ tôi gọi nói đau bụng dữ dội, được đưa vào phòng chờ sinh, gần một tiếng sau bác sĩ báo tôi vào đưa hài nhi về an táng. Cả gia đình phải chia nhau ra người đi mua quần áo, mua khăn, mua nến, mua nhang để làm thủ tục mang cháu về an táng. Nhưng mà nửa đêm có nơi nào bán đâu, vất vả lắm mới sắm cho bé được bộ đồ. Nếu ngày đó có siêu thị như bây giờ, mọi chuyện chắc đã khác” - anh Nguyễn Đình Tú (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) bày tỏ.

Nhìn đến lợi ích cho bệnh nhân

Ngoài BV Nhi đồng 1, các BV như BV quận Thủ Đức, BV Hùng Vương, BV Xuyên Á cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động siêu thị minivài tháng trước đó.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho hay siêu thị mini của BV nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Luôn hướng tới phương châm phục vụ tận tình “vui lòng khách đến và vừa lòng khách đi”. BV luôn lựa chọn những nhà cung cấp hàng đầu trong nước với giá cả hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, thân nhân, khách hàng và nhân viên y tế khi đến ăn uống.

“Theo thống kê, số lượng người bệnh, người nhà và nhân viên y tế mua hàng tại siêu thị mini hơn 1.900 lượt người/ngày. Doanh thu ngày càng tăng, từ 30 triệu đồng/ tháng (4-2016) lên 250 triệu đồng/tháng (11-2016). Siêu thị trong khuôn viên BV đang nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến BV, giúp hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm do sử dụng các mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không những thế, tình trạng mất an ninh trật tự, tụ tập đông người lấn chiếm vỉa hè, cổng BV xảy ra khi người dân dừng lại mua hàng rong đã giảm đi đáng kể” - BS Minh Quân nói.

Siêu thị chỉ nhằm phục vụ người bệnh

Sở Y tế đã ban hành “Khuyến cáo triển khai các dịch vụ tiện ích cho người bệnh và thân nhân người bệnh tại các BV” nhằm giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng BV vốn gây mất an ninh trật tự, đồng thời phục vụ tiện ích cho người bệnh và thân nhân mua đồ tiện lợi, an toàn về đêm khuya. Trong thời gian tới, các BV trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng mô hình siêu thị nhỏ trong BV để cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

Việc triển khai siêu thị mini trong BV, bên cạnh làm tăng hài lòng người bệnh, triển khai tốt các dịch vụ tiện ích sẽ giải quyết được tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng BV vốn gây mất an ninh trật tự tại các BV.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm