Báo động trẻ béo bụng sớm

“Mọi người nghĩ rằng thường trên 40 tuổi mới bị béo bụng. Tuy nhiên, lần đầu tiên Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nghiên cứu về thực trạng này và bất ngờ ghi nhận tỉ lệ học sinh ở bậc tiểu học và THCS trên địa bàn TP bị béo bụng khá cao” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết.

BS Diệp khuyến cáo các bậc cha mẹ cần áp dụng chế độ ăn uống cho con hợp lý vì béo bụng thường dẫn tới các bệnh khó chữa trị về sau.

Một trẻ có biểu hiện béo bụng đang được khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Thủ phạm: Nước ngọt, thức ăn nhanh

Đưa cậu con trai tám tuổi tới Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khám, bà Nguyễn Thị Hương (quận 1, TP.HCM) cho biết cách đây hơn một năm con bà nặng 23 kg, như trẻ bình thường. Nay thì con trai bà nặng gần 40 kg.

Chúng tôi hỏi cháu thích ăn uống những gì, bà Hương cho biết cháu thích uống nước ngọt và thức ăn nhanh. Trong mỗi bữa ăn cháu uống ít nhất một lon nước ngọt. “Tôi biết trẻ uống nước ngọt nhiều không tốt nhưng vì chiều con nên thường bỏ qua” - bà Hương nói.

Bà Hương còn cho biết con trai bà khoái hamburger, gà rán, khoai tây chiên… Mỗi tuần ít nhất một lần bà chở “quý tử” đến các tiệm thức ăn nhanh. Chưa kể các ngày trong tuần bà thỉnh thoảng mua về cho con.

Sau khi khám và đo thể trạng cho con trai bà Hương, BS khám cho biết bé trai tám tuổi thì cân nặng trung bình 25,4 kg. Tuy nhiên, con bà Hương nặng gần 40 kg, rơi vào tình trạng béo phì. Chưa hết, cậu “quý tử” còn bị béo bụng.

Nghe vậy, bà Hương thắc mắc hỏi béo bụng là gì, có phải là béo phì không. BS giải thích: “Hàm lượng đường trong nước ngọt rất cao, kích thích trẻ thèm ăn và ăn rất nhiều. Cháu lại ăn nhiều thực phẩm có chất béo nên tăng trọng nhanh, vượt quá ngưỡng cân nặng theo độ tuổi nên béo phì. Nhưng không phải trẻ béo phì đều béo bụng. Béo bụng là trường hợp mỡ tập trung nhiều ở vùng bụng khiến bụng phình to hơn bình thường”.

Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, chúng tôi cũng bắt gặp một cháu gái 10 tuổi cũng bị béo bụng. Cháu cân nặng  44 kg, đi lạch bạch một cách khó khăn, một lát là mồ hôi ướt đẫm lưng áo. “Cháu thường chơi game, xem truyền hình rất khuya nên ngủ trễ. Cháu lại thích ăn đồ ngọt như bánh, kẹo. Trong vòng mấy tháng cháu lên cân vù vù” - ông Võ Văn Thành, cha cháu (quận Tân Bình), nói.

Mắc nhiều chứng bệnh về sau

Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM làm một khảo sát trên gần 5.000 học sinh (HS) độ tuổi từ 10 đến 15 trên địa bàn TP.HCM và ghi nhận hơn 31% em bị béo bụng. Khảo sát còn ghi nhận nam bị béo bụng nhiều hơn nữ, HS nội thành béo bụng nhiều hơn HS ngoại thành.

Béo bụng là yếu tố gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe hơn cả béo phì. Trẻ béo bụng dễ có nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Trẻ béo bụng cũng dễ rơi vào trạng thái ngưng thở lúc ngủ, gây ra tình trạng thiếu ôxy não mức độ nhẹ. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ khiến kết quả học tập không cao. “Béo bụng còn khiến trẻ dễ có nguy cơ mắc đái tháo đường, dễ bị ung thư đường tiêu hóa. Trẻ cũng dễ mặc cảm, tự ti với bạn bè…” - BS Diệp lưu ý.

Không chỉ HS từ 10 đến 15 tuổi, ngay cả HS từ 6 đến 10 tuổi bị béo bụng cũng có chiều hướng gia tăng. “Trẻ bị béo bụng ở độ tuổi càng nhỏ thì nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính không lây càng cao. Trẻ bị béo bụng dễ có nguy cơ vô sinh khi trưởng thành do mỡ bám quanh buồng trứng, thận…” - BS Diệp khuyến cáo.

 

Vòng bụng lớn hơn vòng mông

Béo bụng là tình trạng dư thừa mỡ ở vùng bụng; đặc biệt dư thừa mỡ trong nội tạng (mỡ bám quanh ruột, buồng trứng, thận, gan…). Nguyên nhân do sử dụng nước ngọt, ăn nhiều chất béo động vật, bánh kẹo, thức ăn nhanh… trong thời gian dài. Ít vận động, thiếu ngủ… cũng là nguyên nhân gây béo bụng.

Để ngừa béo bụng, không nên cho trẻ sử dụng nhiều thực phẩm giàu năng lượng như mỡ động vật, đường, bánh kẹo, nước ngọt. Nên cho trẻ ăn cơm đúng giờ và dùng nhiều rau xanh, không ăn vặt.

Hoạt động thể lực cũng là biện pháp giúp giảm béo bụng ở trẻ. Mỗi ngày trẻ nên hoạt động thể lực ít nhất hai tiếng, trong đó dành hẳn một tiếng chơi những môn  thể thao mà trẻ yêu thích (đá banh, bơi lội, chạy bộ, đi bộ…). Thời gian cho trẻ ngồi một chỗ xem truyền hình, sử dụng vi tính không quá hai tiếng/ngày.

BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm