Bảy, tám bệnh nhi nằm một giường

Gần 6 giờ sáng 7-10, tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), lượng trẻ được ba mẹ đưa đến khám đã xếp thành hàng dài chờ lấy số. Tại khoa Nhiễm của BV này, hành lang được người nhà bệnh nhi kê giường thành hai hàng, chỉ còn chừa lại một khoảng nhỏ vừa đủ cho một người qua lại.

Tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), đến hơn 11 giờ trưa 7-10, người nhà bệnh nhi vẫn rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt vào khám bệnh. Đứng dưới chân thang máy khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, chị Hoàng Minh Túy (Bình Dương) bế con đi qua đi lại cho con bớt khóc. Chị cho biết một giường bệnh được xếp bảy, tám bệnh nhi nên chị đưa con xuống hành lang này nằm cho tiện.

BV Nhi đồng 1 và 2 đang trong tình trạng quá tải với các bệnh nhi không chỉ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) mà còn bệnh tay-chân-miệng (TCM), hô hấp… Theo báo cáo của BV Nhi đồng 1, số bệnh nhi đến khám lập mức kỷ lục mới là ngày 5-10 với 8.013 ca; tại BV Nhi đồng 2 là 7.899 ca. Bình quân mỗi ngày số bệnh nhi nhập viện điều trị tại hai BV này trong những ngày qua luôn ở mức gần 2.000 trẻ.

 
Bệnh nhi nằm ngoài hành lang khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2. (Ảnh chụp sáng 7-10) Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Để giảm tải, các BV tăng điều trị trong ngày rồi cho về với những ca nhẹ, đồng thời với bệnh nhi điều trị thì rút ngắn thời gian nằm viện. ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết BV có 1.400 giường, hiện nay phải bố trí thêm 150 giường và tận dụng thêm hành lang để cho trẻ nằm điều trị. Cũng theo BS Liên, việc quá tải BV do tâm lý người dân muốn đến tuyến trên trong khi bệnh SXH, TCM ở nhiều BV tuyến dưới có thể làm tốt. Thống kê của BV Nhi đồng 1 cho thấy có 65% bệnh nhi đến từ các tỉnh.

BS Trịnh Hữu Tùng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết những ngày qua BV đã huy động thêm nhân lực cho khoa Nhiễm, tăng cường bác sĩ trực cả ngày lẫn đêm. “Chúng tôi đã huy động các ghế bố, ghế hành lang cho các bệnh nhân điều trị” - ông Tùng cho biết. Đồng thời các BV tổ chức tập huấn cho các BV tuyến quận, huyện nhằm giảm lượng bệnh nhân đổ về các tuyến trên.

Trước đó, làm việc với Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là phải giảm quá tải BV. “Dịch SXH ở mức này chúng ta cho kê giường nằm ngoài hành lang được nhưng nếu tăng lên nữa thì phải làm sao, bởi vậy bắt buộc phải giảm quá tải” - ông Phu nói. Ông Phu đề nghị Sở Y tế TP cần nghiên cứu phân tuyến về quận, huyện; các BV tuyến trên tăng cường bác sĩ xuống BV tuyến dưới. Nằm hành lang chỉ là giải pháp tức thời. Nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV rất nguy hiểm. “Nếu không làm sớm sẽ trở tay không kịp. Dứt khoát TP phải giải quyết ngay vấn đề quá tải” - ông Phu nói.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn TP.HCM có 10.060 ca mắc SXH, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2014. Mỗi tuần TP.HCM ghi nhận hơn 600 ca mắc SXH, trong đó có 40% bệnh nhân đến từ các tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm