Bệnh gì dễ nhầm với gút?

Mới đây, một bệnh nhân nữ (34 tuổi, ngụ quận 2) làm biên tập viên đến khám tại Phòng khám Nội Cơ Xương Khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM trong tình trạng các khớp ngón tay sưng và đau nhức dữ dội mỗi khi cử động, không thể gõ máy tính được.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp. Kết quả chụp X-quang cho thấy các khớp đã bắt đầu có hiện tượng bị hủy. Nếu đi khám trễ hơn, không được điều trị đúng cách bệnh nhân có thể bị tàn phế.

Bệnh nhân cho hay cách đây bảy tháng, các khớp ngón tay của chị bắt đầu sưng, đau nhức mỗi lần cử động. Nhưng do công việc bận rộn, chị tự mua thuốc giảm đau về sử dụng chứ không đến BV khám. Khi dùng thuốc tình trạng đau nhức có giảm nhưng ngưng thuốc tay chị lại bị sưng, đau, cứng khớp, thậm chí khớp còn sưng to hơn trước. Lúc này chị mới đến khám tại BV.

Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng, biến dạng khớp ở giai đoạn muộn.

Trường hợp tiếp theo là của bà TTB (62 tuổi, ngụu Vĩnh Long). Bà B. bị sưng đau 2 khớp gối và các khớp ở bàn tay cách nay bảy năm. Do ngại dùng thuốc Tây, bà B. tự mua một loại “thuốc Miên” về sử dụng. Ban đầu, đau nhức có giảm nhưng cách nay một năm, cơn đau trở nên nặng hơn, nhất là ban đêm.

Khi đến khám, bà B. được các BS chẩn đoán viêm khớp dạng thấp giai đoạn muộn. Lúc này các khớp đã dính cứng, biến dạng, gây khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, phải người trợ giúp.

BS Cao Thanh Ngọc đang khám bệnh liên quan đến xương khớp cho một bệnh nhân.

Theo BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng đơn vị Nội Cơ Xương Khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM, đến nay các nghiên cứu khoa học vẫn chưa chỉ được nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác. Để phòng ngừa, người dân nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại… Cũng theo BS Ngọc, viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả người trẻ tuổi nhưng phổ biến vẫn là độ tuổi trung niên. Một số trẻ nhỏ có thể khởi phát sưng đau khớp giống viêm khớp dạng thấp và được chẩn đoán là viêm khớp mạn tính tự phát thiếu niên.

BS Ngọc chia sẻ lý do khiến viêm khớp dạng thấp ngày càng nặng hơn có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thói quen dùng thuốc, có người chỉ đến BS khám một lần, khi uống hết thuốc theo toa thì tự mua theo toa cũ để uống. Thứ hai, người bệnh chỉ được điều trị triệu chứng nên khi thấy triệu chứng giảm, tưởng đã hết bệnh nên dừng điều trị. Thứ ba là người bệnh tự uống các loại thuốc giảm đau, chống viêm, nhưng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ, làm bệnh nặng thêm. Cuối cùng là nhiều người cho rằng thuốc Tây “nóng” nên tự điều trị bằng Đông y hoặc các phương pháp chữa bệnh theo “truyền miệng” khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp.

 Một sai lầm nữa là khi thấy đau khớp, nhiều người nghĩ mình mắc… bệnh gút nên ăn uống kiêng khem quá mức. Thực tế, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không cần kiêng cữ như với bệnh gút.

“Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn và ảnh hưởng khớp nhỏ như ở bàn tay, cổ tay trong khi bệnh gút thường gặp ở nam giới và ảnh hưởng đến khớp bàn ngón chân cái, khớp cổ chân và ưu thế các khớp ở chi dưới. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngược lại và người bệnh hoặc BS không chuyên khoa sẽ khó phân biệt đối với những trường hợp không điển hình”, BS Ngọc khuyến cáo.

 

Nhằm nâng cao sự hiểu biết và cách phòng ngừa cũng như điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Đơn vị Nội cơ xương khớp BV ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình “Tư vấn và phát phiếu khám bệnh miễn phí bệnh lý Viêm khớp dạng thấp” với sự tham gia tư vấn của đội ngũ BS là các chuyên gia đầu ngành của BV. Thời gian khám từ  8 giờ sáng ngày 15-10 tại giảng đường A (Lầu 3), BV ĐH Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TP.HCM.

Chương trình ưu tiên tặng phiếu khám miễn phí bệnh viêm khớp dạng thấp cho 100 người đăng ký sớm nhất qua số điện thoại (028) 3952 5449 - (028) 3952 5422

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm