BHYT hộ gia đình khó đạt mục tiêu bao phủ toàn dân

Sau khi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi có hiệu lực đầu năm 2015, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để người dân tham gia BHYT hộ gia đình được thuận lợi nhất. Cụ thể như: Đơn giản các thủ tục hành chính; tăng cường mở rộng các đại lý bán BHYT trên phạm vi cả nước; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh qua BHYT... Tuy nhiên, đến nay BHYT hộ gia đình vẫn chưa mặn mà với người dân.

Mua BHYT cả hộ là xa xỉ?

Cô Bùi Thị Mỹ Dung (Thủ Đức, TP.HCM) đến nay vẫn chưa thông với BHYT hộ gia đình vì theo cô quy trình còn phức tạp và không phù hợp. Gia đình cô trước giờ mặc dù vẫn mua BHYT cho các con ở trường nhưng không sử dụng BHYT trong việc khám bệnh vì tốn quá nhiều thời gian và chất lượng khám bệnh chưa làm cô hài lòng. Mỗi lần có bệnh đi khám định kỳ gia đình cô đều chọn khám dịch vụ. “Việc mua BHYT hộ gia đình gây lãng phí cho gia đình tôi, không dùng mà vẫn mua để đảm bảo chỉ tiêu BHYT toàn dân thì là lãng phí chứ sao lại gọi là có ý nghĩa xã hội” - cô Dung nói.

Khác với gia đình cô Dung, gia đình ông Nguyễn Đức Thông (đường Nguyễn Tri Phương, quận 10) chia sẻ, khi trước đã từng đi mua BHYT hộ gia đình nhưng do nhà có hai con đang du học ở nước ngoài và một cháu đang đợi xin việc nên gặp nhiều khó khăn trong thủ tục, xác nhận. “Già cả rồi, đi lại khó khăn nên bỏ qua không mua nữa”. Những thành viên trong gia đình bảy người của ông Thông hiện tại sử dụng dịch vụ BHYT của cơ quan đang công tác, còn lại hầu như đều khám bệnh thông qua dịch vụ.

Nhiều khó khăn của BHYT hộ gia đình được đặt ra nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề kinh tế của những gia đình khó khăn, gia đình công nhân, chưa có hộ khẩu tại TP.HCM. Chẳng hạn, gia đình năm người nhà anh Lê Đức Sơn thuê nhà trọ ở quận 2, bán vé số dạo ở quận 1 kiếm sống qua ngày, đến nay vẫn không biết BHYT hộ gia đình là gì. Việc mua BHYT hộ gia đình đối với gia đình anh là một vấn đề quá khó khăn và như lời anh nói thì nó có vẻ “xa xỉ” quá mức.

Nhiều người dân vẫn lo ngại đối với chất lượng khám, chữa bệnh theo BHYT. Ảnh: TÙNG SƠN

Còn nhiều vướng mắc, khó khăn

Báo cáo công tác BHYT năm 2015 và nhiệm vụ 2016, TS Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian tới vẫn sẽ còn rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT đối với 25% dân số chưa tham gia, rất khó đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân. Cụ thể, việc cấp thẻ, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo từ 1-1chưa được thực hiện do các địa phương vẫn đang trong giai đoạn rà soát, thống kê lập danh sách. Tỉ lệ tham gia BHYT hộ gia đình ở các đối tượng hộ gia đình cận nghèo còn thấp, mặc dù đối tượng này đã được hỗ trợ 70% mức đóng nhưng với họ 30% vẫn còn đang ở mức cao. Nhiều địa phương chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành việc xác định đối tượng, lập danh sách tham gia cho đối tượng BHYT thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Một số thành viên hộ gia đình không tham gia BHYT dẫn đến không phát hành thẻ cho các thành viên khác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia BHYT cá nhân. Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn BHYT vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm và chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm...

Đứng trước những khó khăn nhằm tiến tới hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phần lớn trong 75% bao phủ BHYT hiện nay là BHYT bắt buộc được sự hỗ trợ của Nhà nước, BHYT tự nguyện vẫn còn đang ở mức rất thấp. Tiến tới BHYT toàn dân chính là tiến tới hoàn thành mục tiêu công bằng trong khám, chữa bệnh và đảm bảo sức khỏe của người dân. Vì vậy, Bộ Y tế cần nâng cao năng lực quản lý, rà soát lại thể chế luật pháp, cơ chế chính sách.

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, các nhiệm vụ chủ yếu năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 15-1, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết tính đến ngày 31-12-2015 trên cả nước có hơn 69.973.000 người mua BHYT, tăng 4,4 triệu người so với năm 2014. Tỉ lệ bao phủ BHYT ước đạt 75.32%, vượt 0,32% chỉ tiêu bao phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 10 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ bao phủ trên 90% dân số, 11 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ bao phủ từ 80% đến 90%. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình và người lao động thuộc các doanh nghiệp lại là những đối tượng thuộc nhóm tỉ lệ bao phủ thấp. Công tác cấp BHYT cho người dân ở các vùng núi, xã đảo, vùng biển còn gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm