Bia rượu 'tàn phá' dân nhậu khủng khiếp như thế nào?

Hậu quả ghê gớm

Trao đổi với PV, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, lạm dụng rượu bia là một thói quen không tốt.

Cụ thể, theo PGS Hùng, rượu bia có tác động xấu đến chức năng gan, tụy, dạ dày, hệ thần kinh trung ương, thay đổi hành vi… Ở các nước phương Tây, tác nhân dẫn đến xơ gan hàng đầu là rượu.

Rượu bia còn là nguyên nhân gây bệnh tâm thần cho người lạm dụng. Bác sĩ Ngô Thanh Hồi (BV Tâm thần ban ngày Mai Hương – Hà Nội) cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu bia không đảm bảo chất lượng trong thời gian dài.

Bàn chân viêm loét của một bệnh nhân tiểu đường mắc type2 -
Bàn chân viêm loét của một bệnh nhân tiểu đường mắc type 2.

Bệnh viện đã từng tiếp nhận ca bệnh uống rượu trong nhiều năm, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh, có những hành vi thiếu kiểm soát (hung hăng chửi bới, đe dọa mọi người xung quanh) hoặc tỏ ra sợ hãi, mê sảng, hốt hoảng, vã mồ hôi.

Sau khi bị nhốt vào phòng kín một mình, bệnh nhân bị loạn thần nên tưởng tượng ra những cảnh rùng rợn, thủ sẵn dao nhọn để “phòng thân”, tự cào cấu, …

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai). Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết, tình trạng người bệnh lạm dụng rượu bia, đặc biệt là rượu bia kém chất lượng để lại hậu quả nặng nề vì sẽ tàn phá hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm trí nhớ…

Theo bác sĩ Dũng, BV đã từng tiếp nhận trường hợp loạn thần do nghiện rượu gây ra ảo giác, hoang tưởng, thậm chí tự sát. Theo những nghiên cứu gần đây, tỉ lệ tự sát ở người nghiện rượu cao thứ ba sau bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm.

Còn trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết.

Cứu nạn nhân chấn thương sọ não uống rượu bia: Nhiều khó khăn

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng cho biết, tỉ lệ nạn nhân bị tai nạn giao thông cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép chiếm khoảng dưới 10%. Tỉ lệ này đã giảm so với con số thống kê những năm trước đây (khoảng 15 – 20 %).

Tương tự như vậy, số nạn nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông không đội mũ bảo hiểm cũng khoảng dưới 10% (những năm trước đây tỉ lệ là 25%). Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, kiểm tra đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Các ca tai nạn giao thông do rượu bia thường gây chấn thương sọ não, để lại hậu quả nặng nề.
Các ca tai nạn giao thông do rượu bia thường gây chấn thương sọ não, để lại hậu quả nặng nề.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, đối với những người điều khiển phương tiện giao thông, nếu sử dụng rượu bia sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm. Trong trạng thái say rượu, người lái xe sẽ không làm chủ được phương tiện rất dễ gây tai nạn giao thông, gây chấn thương cho mình và cho người khác, đặc biệt là chấn thương sọ não.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết các trường hợp tai nạn giao thông được cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức có tới 25% là chấn thương sọ não, để lại những hậu quả rất nặng nề cho nạn nhân, gia đình và xã hội.

Khi cứu chữa những nạn nhân chấn thương, có sử dụng bia rượu việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân cũng khó khăn hơn nhiều: người say rượu làm cho việc đánh giá tri giác, ý thức, nạn nhân, thương tổn trên cơ thể mất chính xác, việc dùng thuốc chữa bệnh cũng bị ảnh hưởng do sử dụng rượu, nạn nhân nôn mửa có thể gây trào vào đường thở, có thể gây tử vong…

Cấm sau 22h: Chỉ hạn chế được tụ tập vào ban đêm?

Với quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ như đề xuất của Bộ Y tế, từ góc độ cá nhân, PGS Hùng cũng hoàn toàn nhất trí với mục tiêu nhằm hạn chế sử dụng, lạm dụng rượu bia và cần được luật hóa cụ thể ở nhiều khâu.

Cụ thể là cần kiểm soát các cơ sở sản xuất ra sản phẩm rượu bia, cửa hàng bán bia rượu về chất lượng, tránh độc hại cho người sử dụng, hạn chế và quy định rõ cửa hàng nào được bán bia rượu, không nên để nở rộ lan tràn vì mục đích thương mại như hiện nay, sẽ không thể kiểm soát nổi (về nhiều phương diện).

Một quán nhậu trên phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) đông đúc khách ăn và uống rượu bia khi đã quá 10h30.
Một quán nhậu trên phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) đông đúc khách ăn và uống rượu bia khi đã quá 10h30.

Nếu chỉ quy định đơn thuần cấm bán rượu bia sau 22 giờ, có lẽ chỉ có tác dụng hạn chế được việc tụ tập đông người vào ban đêm chứ ít có tác dụng hạn chế sử dụng bia rượu và các tác hại của nó như chúng ta kỳ vọng.

Theo PGS Hùng, Việt Nam nên tham khảo và học tập cách làm của các nước khác (như Malaysia, Singapore, Ấn Độ hay ở nước Đức, nước Pháp…).

“Uống rượu bia là một nhu cầu của con người, là một ngành kinh tế, là một phần văn hóa nhưng phải quản lý và cần quản lý tốt”, bác sĩ Hùng nói.

Theo C.Quyên (Vietnamnet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm