Cách xử lý khi với người bị tai nạn do pháo nổ

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ ghi nhận tai nạn do pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp Tết Nguyên Đán. Thống kê của ngành y tế, riêng trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có một trường hợp đã tử vong.

Sở dĩ tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây nhiều vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra lượng nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh…nên khi đốt pháo, người tiếp xúc gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay...

Một số lượng lớn pháo không hóa đơn chứng từ tuồn vào Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: Internet

BS CK1 Nguyễn Thị Diễm Hà – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý nếu có người thân hoặc bản thân bị tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết cần thực hiện các bước sơ cứu sau đây:

- Khi gặp chấn thương ở mắt do bỏng hay dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên lập tức rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong vòng ít nhất 10 phút. Đồng thời, khi rửa mắt nên chớp mắt liên tục để cho dị vật trôi ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.

- Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt lại bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân có vết thương chảy máu cần băng ép cầm máu ngay.

- Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định chỗ xương gãy và băng vết thương cẩn thận.

- Nếu bị pháo làm bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút.

Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Tóm tại, tai nạn do cháy nổ rất nguy hiểm, trường hợp nặng nạn nhân có thể mất mạng, do vậy không nên buôn bán hay sử dụng pháo nổ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm