Cảnh báo nhiều bệnh khi trời nắng gay gắt

Ngồi chờ lấy thuốc tại Phòng khám nội tổng quát - tiêu hóa, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (quận Tân Bình) cho biết ba ngày trước, con chị là bé ĐHTP (bảy tuổi) có biểu hiện đau bụng, đi cầu không được. Đi khám, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa bình thường và cho thuốc uống. “Nắng nóng nên ngoài cho bé ăn cơm, uống sữa, gia đình còn chú ý bổ sung nước trái cây. Không hiểu sao bé vẫn bệnh” - chị Tâm nói.

Trẻ bị bệnh tiêu hóa, hô hấp tăng

Đưa tay lau mồ hôi trán lấm tấm, bà Hoàng Thị Hiến (quận 12) thất thểu bồng cháu gái NTNY (một tuổi) đi khám. Bé Y. mặt phờ phạc, môi bong tróc, rỉ máu. Bà Hiến cho biết bốn ngày vừa qua trời nóng quá, bé Y. liên tục quấy khóc, không chịu ăn uống, môi bong tróc và miệng lở từng mảng.

Theo BS CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Nhi đồng 1
(TP.HCM), gần đây các bệnh nhi khám bệnh về tiêu hóa, da như hai bệnh nhi ở trên khá phổ biến. Hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhi giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 2.500 lượt mỗi ngày. Các bệnh “đến hẹn lại lên” vẫn là nhóm bệnh về hô hấp, tiêu hóa và bệnh lý về da.

“Thời tiết nắng nóng thường là trẻ giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm họng amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Đây còn là điều kiện tốt cho vi khuẩn sinh sôi, làm thức ăn nhanh ôi thiu, khiến trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa như nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu đàm máu...” - BS Hoàng phân tích.

Cũng theo BS Hoàng, thời tiết nóng còn làm tổn thương da, trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn dẫn đến nhọt, viêm da tế bào, nhiễm trùng da. Tiếp xúc ánh nắng ban trưa quá lâu khiến trẻ bị tổn thương kết mạc, giác mạc như khô giác mạc, xốn, đỏ mắt. Tổn thương kéo dài có thể gây đục thủy tinh thể.

Do đó, BS Hoàng lưu ý cần chú ý bổ sung nhiều nước, trái cây, sinh tố cho trẻ. Giữ nhiệt độ môi trường phù hợp, máy lạnh để khoảng 28oC. Khi ra nắng cần che chắn bằng nón rộng vành, áo dài tay, kính râm... “Phụ huynh lưu ý khi trẻ như đang chơi bình thường khỏe mạnh tự nhiên mệt mỏi, ít chơi, ít hoạt động thì cần bổ sung nước. Nếu thấy trẻ bị ngứa da, phồng rộp, nổi mẩn đỏ nên chuyển trẻ ở nơi thoáng mát hơn” - BS Hoàng khuyến cáo.

Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhi mắc bệnh về da. Ảnh: HL

Phát ban khi tiếp xúc ánh nắng

Mới đây, chị PTND (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải vào BV Da liễu TP.HCM thăm khám do toàn thân nổi mụn nước.

Chị D. chia sẻ trước đó, do trời nóng, chị tắm hồ bơi vào lúc 9 giờ sáng. Khi lên bờ, vùng da ở cánh tay, chân, vai, lưng, cổ đỏ lên từng mảng. Nghĩ bị cháy nắng nên chị bôi kem dưỡng lên. Hai ngày sau, trên da mọc một số mụn to rồi vỡ, gây nhiễm trùng, có dịch mủ. Chị D. được bác sĩ kết luận bị phát ban đa dạng do ánh sáng, có nguy cơ sẹo xấu và sạm da thời gian dài.

Làm công việc chạy xe ôm nên anh TKM (37 tuổi, quận 5) luôn mặc áo dài tay nhưng vẫn bị rát da. Gần đây, anh cảm thấy ngứa vùng cổ, gáy, ngực và hai bàn tay nhưng nghĩ dị ứng do ăn cá biển trước đó nên anh ra tiệm mua thuốc Tây tự uống. Không ngờ hai ngày sau, vùng cổ tiếp tục nổi mụn nước nhỏ như mụn trứng cá kèm đau rát. Tổn thương da ngày càng lan rộng.

Đi khám ở BV Da liễu TP.HCM, bác sĩ kết luận anh bị dị ứng ánh nắng mặt trời. “Trước giờ chạy xe thấy nóng rát da, tôi thường tắm cho dịu xuống, chừng ba ngày là hết nên không để tâm lắm. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến bệnh dị ứng ánh nắng” - anh M. chia sẻ.

BS CKII Vũ Thị Phương Thảo, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Da liễu TP.HCM, cho biết dị ứng ánh nắng mặt trời chiếm khoảng 10% các trường hợp phỏng da, dị ứng da do nhiệt độ. Bệnh xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ánh nắng mặt trời trong thời gian nhất định. Thông thường, triệu chứng chỉ thoáng qua rồi thôi, nặng sẽ gây viêm da, tăng sắc tố sau viêm, da sẫm màu, phải mất 1-3 tháng mới hết. Nếu phát hiện muộn, vùng da dị ứng sẽ để lại vết thâm mất thẩm mỹ, thậm chí gây lão hóa da, nguy cơ ung thư da rất cao.

Theo BS Thảo, dù chưa thể khẳng định nguyên nhân chính xác nhưng một số nghiên cứu cho thấy bệnh khởi nguồn do bức xạ từ ánh nắng mặt trời kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. “Người dân không tự ý bôi, đắp lá thuốc, băng kín vùng viêm da hoặc uống thuốc không đúng liều lượng sẽ làm da nhiễm trùng để lại sẹo, mỏng, teo da. Một số trường hợp còn bị phát ban mụn trứng cá, nhất là khi lạm dụng thuốc có corticoid. Cần hạn chế ra đường từ 10 giờ đến 16 giờ, nếu buộc phải ra ngoài phải đội nón rộng vành, mặc áo dài tay, đeo kính, bôi kem chống nắng” - BS Thảo nói.

Phân biệt phát ban do ánh nắng và viêm da

Cảnh báo nhiều bệnh khi trời nắng gay gắt ảnh 2
Anh M. bị phát ban do dị ứng ánh nắng. Ảnh: BVCC

Không cần phải tiếp xúc với ánh nắng gay gắt lâu, người có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng chỉ cần tiếp xúc khoảng 20 phút đã có biểu hiện phát ban ngoài da. Bệnh thường bị nhầm lẫn với viêm da. Tuy nhiên, phát ban da do ánh nắng thường xảy ra ngay khi người bệnh đi ngoài nắng, như da có hồng ban trước, sau đó cảm giác nóng rát như kim chích, nổi mụn nước li ti… ở những vùng da lộ dưới ánh nắng. Còn viêm da bao gồm nổi mụn trứng cá, mụn có mủ, sẫm màu nơi viêm, nốt mụn tập trung ở vùng nang lông tuyến bã.

BS CKII VŨ THỊ PHƯƠNG THẢOPhó phòng Kế hoạch tổng hợp,
BV Da liễu TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm