Chàng trai bị rò đường niệu sắp được làm cha

“Cuối cùng các bác sĩ (BS) cũng đã điều trị khỏi hiện tượng xuất tinh qua hậu môn của tôi do bị rò rỉ đường niệu. Ba má tôi rơi nước mắt khi biết đứa con trai duy nhất sẽ có cơ hội làm cha. Gia đình tôi biết ơn các BS nhiều lắm” - anh NKD (21 tuổi, Đức Hòa, Long An) nói với giọng đầy xúc động.

Căn bệnh bẩm sinh

Chị của D. kể lại: “D. bị dị tật không có hậu môn từ lúc lọt lòng mẹ. Do không thể đi ngoài, ba ngày sau bụng D. trương cứng, cả nhà quýnh quáng đưa vô bệnh viện (BV) ở TP.HCM. D. được các BS phẫu thuật mở hậu môn, đồng thời tạo thêm hậu môn tạm ở bụng. Tuy nhiên, do cơ hậu môn không co thắt nên D. vẫn đi ngoài bằng hậu môn tạm và phải lên bàn mổ nhiều lần nữa để các BS tiếp tục phẫu thuật, xử lý hoàn chỉnh hậu môn”.

Lên bảy tuổi, D. được BS đóng hậu môn tạm. Nhưng năm 16 tuổi, D. và cả nhà tá hỏa khi thấy bìu trái của D. sưng to bất thường. Một lần nữa, D. phải trở vô BV. “Khi mổ bìu của D., BS phát hiện có phân và nước tiểu. BS lại phải mở hậu môn tạm để kiểm tra những lần mổ trước đó và phát hiện cả đường niệu lẫn trực tràng bị rò rỉ. Mặc dù BS can thiệp phẫu thuật nhiều lần nhưng việc đóng chỗ rò đường niệu vẫn không khả quan” - chị của D. nhớ lại.

 

BS Nguyễn Ngọc Phương Tâm đang kiểm tra hậu môn tạm của bệnh nhân D. Ảnh: CTV

Xuất tinh qua… hậu môn

Nằm ròng rã trong BV chuyên khoa suốt bốn tháng trời, D. được BV cho về do không thể điều trị dứt bệnh trạng. Tuy bề ngoài bình thường nhưng cuộc sống của D. gặp khá nhiều phiền phức. “D. phải mang tã giấy cả ngày. Cơ thể ốm yếu, ngại tiếp xúc người ngoài nên D. cứ quanh quẩn trong nhà. Ba má tôi vô cùng buồn bã” - chị của D. nói.

Năm 18 tuổi, D. có bạn gái. Mặc dù biết căn bệnh của D. nhưng cô bạn vẫn thương yêu, chăm lo từng ly từng tí. Trong một lần gần gũi, D. phát hiện mình không thể xuất tinh qua niệu đạo mà lại qua đường hậu môn. “Biết được tin này, ba má tôi đau đớn gấp bội. Vì tôi là con trai duy nhất trong nhà, mơ ước có cháu bế cháu bồng của ba má tôi bay theo mây khói” - D. kể lại.

Khóc nấc khi biết sẽ được làm cha

“Trong lúc tưởng bế tắc thì ngày 3-6, ba má đưa tôi đến BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) để tìm cơ may cuối cùng. Thật không ngờ, BS nơi đây đã phẫu thuật và xử lý dứt điểm lỗ rò đường niệu. Điều đáng mừng hơn là tôi có thể xuất tinh qua niệu đạo, BS nói tôi hoàn toàn có thể làm cha. Nghe được tin này, ba má, người yêu và tôi khóc nấc vì quá sung sướng. Dự kiến năm sau chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới” - D. vui mừng chia sẻ.

BS Nguyễn Ngọc Phương Tâm, Trưởng khoa Ngoại-Tiết niệu BV Đa khoa Xuyên Á, cho biết bệnh nhân D. bị rò đường tiết niệu có thể do bệnh lý nhiễm trùng phức tạp hoặc do tai biến và di chứng trong những lần phẫu thuật trước đó. Vì vậy, muốn trị dứt hiện tượng nước tiểu và tinh dịch qua đường hậu môn thì buộc phải phẫu thuật đóng lỗ rò. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã trải qua nhiều lần phẫu thuật trước đó, nay tiếp tục mổ có thể dẫn đến nguy cơ dương vật không thể cương cứng, không thể xuất tinh.

“Đây là ca phẫu thuật hiếm gặp, cực khó và phức tạp. Để đề phòng rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi đã khuyên bệnh nhân gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng của BV Từ Dũ và BV Hùng Vương (TP.HCM) trước khi tiến hành phẫu thuật” - BS Tâm nói.

Sau đó BS tiến hành mổ đóng lỗ rò đường niệu cho bệnh nhân D. Đầu tiên, BS cho ống thông niệu quản đi từ miệng niệu đạo qua niệu đạo, qua lỗ rò và ra hậu môn. Sau đó BS rạch da vùng hội âm và bóc tách đến lỗ rò. Khi thấy ống thông niệu quản, BS kéo ống thông ra và cắt đôi. Lúc này có hai ống thông ngắn, kéo về hai phía cho thấy rất rõ lỗ rò ở niệu đạo và trực tràng.

“Tiếp theo, BS lần lượt cắt bỏ mô xơ và đóng các lỗ rò. Cuối cùng là cắt và xoay một vạt của thể xốp làm vách ngăn che giữa hai lỗ rò; sau một tuần, bệnh nhân tiểu thông qua đường tự nhiên, không còn rò rỉ ra hậu môn. Sau hai tuần, dương vật bệnh nhân cương cứng và xuất tinh ra ngả niệu đạo với chất lượng tinh trùng bình thường. Chúng tôi rất vui mừng khi D. hoàn toàn có khả năng làm cha” - BS Tâm cho biết.

Có thể BS tại các BV mà bệnh nhân NKD từng điều trị không phát hiện đường niệu đạo của D. bị rò rỉ nên không xử lý. Điều này khiến nước tiểu và tinh dịch của D. phải thoát qua đường hậu môn.

Việc phát hiện và xử lý thành công lỗ rò đường niệu đạo của D. là khâu quan trọng nhất của ca bệnh phức tạp và kéo dài này giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường, có khả năng làm cha. Đây là thành công vừa có ý nghĩa về chuyên môn, vừa mang tính nhân văn.

GS-BS TRẦN NGỌC SINH,
Chủ tịch Hội Niệu-Thận học TP.HCM

______________________________________

Theo nghiên cứu của các BS thuộc BV Nhi đồng 2, dị dạng hậu môn trực tràng là một dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ khoảng 1/5.000 trẻ. Khi không có hậu môn, ống trực tràng bị gián đoạn và phân ứ đọng lại ở ruột già. Phân tìm đường thoát và sẽ rò ra ngoài bởi một đường rò (90% trẻ). Đường rò này có thể ra tầng sinh môn, rò vào niệu đạo hay bàng quang, âm đạo ở trẻ gái… Trường hợp khác không có đường rò, lòng ruột sẽ bị gián đoạn hoàn toàn và tình trạng tắc ruột xảy ra (khoảng 10%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm