Chất cấm vào thực phẩm siêu thị

Ngày 31-12-2014, nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm được bày bán tại các chợ, cửa hàng, kể cả một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thực hiện vào những ngày cuối năm 2014. Kết quả này hiện đã được chuyển đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM để thực hiện những bước xử lý tiếp theo.

Chất cấm theo chả lụa, thịt nguội, bò viên… vào siêu thị

Xem bảng kết quả xét nghiệm, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là trong các thực phẩm sử dụng chất bảo quản vượt mức quy định (có nguy cơ gây ung thư) có rất nhiều món khoái khẩu như chả lụa, thịt nguội, dăm bông, da bao, bò viên, cá viên… Đáng lo ngại là các sản phẩm này do một số doanh nghiệp uy tín sản xuất và được bày bán khá nhiều trong vài siêu thị.

Theo giải thích của cơ quan chức năng, kết quả trên đang được chuyển đến Sở Công Thương TP để cùng phối hợp xử lý những cơ sở sản xuất sai phạm cũng như nơi bày bán nên chưa thể công khai danh tính.

Cụ thể, chả lụa: Trong 23 mẫu không đạt thì có tới bảy mẫu được bán trong hai hệ thống siêu thị. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, chất bảo quản natri benzoate sử dụng trong chả lụa chỉ được sử dụng giới hạn ở mức 1.000 mg/kg. Thế nhưng chả lụa bán trong siêu thị dao động từ 2.158 mg/kg đến 2.976 mg/kg (gấp 2-3 lần mức cho phép). Càng lo ngại hơn khi chất bảo quản kali sorbate không được phép sử dụng trong chả lụa nhưng sản phẩm chả này chứa chất bảo quản nói trên với hàm lượng dao động từ 169 mg/kg đến 766 mg/kg. Tương tự chì là kim loại nặng không được hiện diện trong thực phẩm, vậy mà một trong hai siêu thị đã bán chả lụa chứa chì với hàm lượng 0,143 mg/kg.

Kiểm tra các mẫu thịt nguội, dăm bông, da bao, bò viên, cá viên, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng phát hiện hàng chục mẫu, trong đó có nhiều mẫu bán trong siêu thị, chứa chất kali sorbate (cũng không được phép sử dụng) với hàm lượng cao ngất (có mẫu gấp 11 lần mức quy định); chất natri benzoate cao hơn mức cho phép 1-2 lần.

Nhiều loại cá viên chứa chất bảo quản kali sorbate gấp 11 lần mức quy định được bán trong vài siêu thị. Ảnh: TRẦN NGỌC

Natri benzoate có trong bò viên gấp bốn lần chuẩn cho phép vẫn đưa vào một vài siêu thị tiêu thụ. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Thập diện mai phục”

Cũng theo kết quả kiểm nghiệm, trong 16 loại sa tế và tương ớt không đạt có tới 11 loại được bán trong hai siêu thị. Nhiều loại sa tế và tương ớt bán trong hai siêu thị chứa natri benzoate đều vượt mức cho phép. Nguy hiểm hơn, rhodamine B là chất cấm sử dụng trong thực phẩm nhưng đã có mặt trong hai mẫu sa tế bán trong một siêu thị. Hai mẫu muối ớt, muối tôm bán trong hai siêu thị cũng dính rhodamine B với hàm lượng cao. Bên cạnh đó, đường hóa học cyclamate chỉ được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng rất ít. Vậy mà ba mẫu chà bông heoô mai mơ bán trong hai siêu thị đều chứa cyclamate với hàm lượng rất cao.

Kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy 23 khô cá các loại không đảm bảo chất lượng (sáu mẫu được bán trong hai siêu thị). Theo quy định, hàm lượng NH3 trong cá khô phải dưới 90 mg/100 g, thế nhưng các loại cá khô bán trong siêu thị có hàm lượng NH3 dao động từ 91 mg/100 g đến 209 mg/100g. Cá biệt khô cá trích bán trong siêu thị còn chứa hàm lượng chì cao. Nhiều loại khô bán trong siêu thị còn chứa tổng số nấm men, nấm mốc vượt mức cho phép.

Tôm tươi, chả cá cũng dính chất cấm

Kết quả kiểm định do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thực hiện còn cho thấy tôm tươi các loại bán ở một số chợ trên địa bàn TP.HCM “dính” urê, dương tính với Norwa virus. Nhiều mẫu chả cá tươi bán ở chợ, các cửa hàng chứa hàn the, nhiễm vi khuẩn E. Coli. Nhiều mẫu chả lụa, thịt nguội nhiễm hàn the hàm lượng cao, chứa dư lượng thuốc tăng trọng, vi khuẩn E. Coli… Theo quy định, chợ và hệ thống siêu thị do ngành công thương quản lý nên Chi cục ATVSTP TP.HCM đã chuyển kết quả xét nghiệm nói trên cho Sở Công Thương TP.HCM xem xét và xử lý.

l Natri benzoate và kali sorbate là chất bảo quản. Kali sorbate không được phép sử dụng trong chế biến chả lụa, thịt nguội, bò viên vì ảnh hưởng sức khỏe. Natri benzoate vượt mức giới hạn có nguy cơ gây ung thư.

l Rhodamine B là chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì gây độc cấp và mạn tính. Tích tụ dần trong cơ thể lâu ngày có nguy cơ gây hại cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh cũng như ung thư.

l NH3 trong khô cá càng cao chứng tỏ cá không được bảo quản tốt, dễ nhiễm vi sinh. Số nấm men, nấm mốc vượt mức cho phép dễ sinh độc tố, gây ngộ độc thực phẩm.

l Urê ướp để tôm tươi lâu. Tích tụ nhiều trong cơ thể gây rối loạn chức năng thận. Norwa virus là loại siêu vi gây bệnh nguy hiểm cho người, nhất là hệ thần kinh.

TS PHAN THẾ ĐỒNG, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm