Chỉ số bụi tại Hà Nội cao gấp 5 lần ngưỡng trung bình

Theo ông Cường, lượng bụi tại Hà Nội hiện đang ở ngưỡng báo động. Cụ thể, năm 2016, lượng bụi PM 2.5 (loại bụi ô nhiễm gây có khả năng thẩm thấu, di chuyển trong phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người) trung bình tại Hà Nội cao gấp đôi so với ngưỡng chuẩn quốc gia (quy chuẩn quốc gia là 25), và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Lượng bụi PM 2.5 trung bình năm 2016 ở TP.HCM cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia.
Ông Cường cho biết thêm, trong niên giám tổng kết y tế của Việt Nam năm 2014, trong số 5 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trong cơ cấu bệnh tật thì bệnh đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất, cụ thể là các bệnh: viêm phổi, viêm họng - amidan, viêm đường hô hấp…
Đây đều là những bệnh lý chịu ảnh hưởng nặng nề của sự thay đổi thời tiết, ô nhiễm khói bụi. Chính bởi vậy theo ông Cường, đó là lý do tại sao ở Hà Nội có hình ảnh người dân luôn đeo khẩu trang khi ra đường, thậm chí đi công viên tập thể dục.
Ngoài ra, một phần ô nhiễm không khí đến từ thuốc lá, bởi khói thuốc chứa đến 7.000 chất hóa học, 79 chất gây ung thư. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá, con số này có thể tăng lên 70.000 người vào năm 2020.
Một khảo sát trực tuyến thực hiện tháng 12-2016 trên 1.400 người đánh giá về chất lượng không khí tại Việt Nam cho thấy cho thấy, 85% người được hỏi cảm thấy không hài lòng với môi trường không khí tại tại nơi họ sống, 70% cho rằng bản thân họ và con cái gặp phải vấn đề hô hấp, liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo dự báo của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, tỷ lệ người dân mắc viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm GreenID cho biết, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là chưa có luật không khí sạch, quy chuẩn về nồng độ chất phế thải thấp hơn so với quốc tế, hệ thống quan trắc mỏng và chưa hoạt động hiệu quả, đầu tư tốn kém…
Do vậy, để giảm tải tình trạng ô nhiễm không khí, theo bà Khanh cần phải ban hành luật không khí sạch; điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, hạn chế nguồn gây ô nhiễm; hạn chế hoạt động ngoài trời vào thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm