Chín người ở TP.HCM tử vong do sốt xuất huyết

Đó là số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC) về tình hình dịch bệnh chín tháng đầu năm. Trong tháng 9, trên địa bàn TP ghi nhận hơn 8.230 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tương đương với số ca mắc trong tháng 8.

Tích lũy trong chín tháng đầu năm, toàn TP có hơn 48.400 ca mắc SXH bao gồm số nhập bệnh viện và điều trị ngoại trú, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.800 ca mắc mới. Tính đến tháng 9, TP ghi nhận chín ca tử vong do SXH, chủ yếu ở người lớn ở các quận: 2, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (cùng kỳ năm 2018 chỉ ghi nhận hai ca tử vong).

Cùng với đó, bệnh tay chân miệng cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Chín tháng đầu năm, TP ghi nhận hơn 16.000 ca mắc tay chân miệng bao gồm nhập bệnh viện điều trị nội trú và điều trị ngoại trú. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm trẻ 0-3 tuổi (chiếm 90%). Từ đầu năm đến nay đã có 85 ổ dịch tay chân miệng phát sinh trong trường học, trong đó 68 ổ dịch được ghi nhận trong tháng 9.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: HOÀNG LAN

Bên cạnh đó, trong tháng 9, toàn TP cũng ghi nhận 136 ca mắc sởi được báo cáo. Tích lũy chín tháng đầu năm 2019, TP có 6.192 ca mắc sởi (cùng kỳ năm 2018 chỉ 99 ca). Trong hơn 6.000 ca mắc sởi, chỉ có bốn trẻ tiêm đủ hai mũi vaccine , 15 trẻ tiêm một mũi vaccine, còn lại 51% chưa được tiêm chủng và 48% chưa rõ tiền sử tiêm chủng.

Một dịch bệnh nữa đáng lưu tâm là bệnh ho gà. Tuy tháng 9 không có ca ho gà nhưng cộng dồn từ đầu năm đến nay có 21 ca mắc tại 14 quận, huyện. Trong đó có 16 ca chưa đến tuổi tiêm chủng, bốn ca tiêm chủng chưa đầy đủ, một ca không tiêm chủng.

Để hạn chế dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng, từ nay đến cuối năm 2019, ngành y tế TP.HCM tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, SXH tại các phường, xã. Khuyến khích các địa phương tăng xử phạt cá nhân, tập thể vi phạm Nghị định 176/2013/ NĐ-CP để phát sinh ổ dịch trong cộng đồng. Cạnh đó, tiếp tục giám sát công tác tiêm chủng mở rộng, khuyến cáo phụ huynh đưa con em đến trạm y tế tiêm phòng vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh tay-chân-miệng vào mùa
Bệnh tay-chân-miệng vào mùa
(PL)- Bệnh tay-chân-miệng đang tăng cao, đặc biệt thời điểm trẻ em trở lại trường học sau khi nghỉ hè. Phụ huynh cần hết sức lưu ý các dấu hiệu bệnh và cách ly trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm