Cơ hội cho bệnh nhân lao kháng thuốc

Những bệnh nhân lao kháng thuốc thường đối diện cái chết vì mọi loại thuốc đều không tác dụng. Mới đây, Bộ Y tế thông báo tin vui, thông qua hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai loại thuốc chống lao thế hệ mới sẽ được đưa vào thử nghiệm ở Việt Nam. Trước mắt, thuốc này sẽ được chỉ định điều trị cho khoảng 100 trường hợp mắc lao siêu kháng thuốc tại ba TP gồm Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ vào đầu năm 2015. Đây là những địa phương có tỉ lệ người mắc lao kháng thuốc cao nhất nước.

Lao… siêu kháng thuốc

Anh ĐVC (33 tuổi, ngụ Hà Nội) đang điều trị lao phổi tại khoa Lao hô hấp BV Phổi Trung ương (Hà Nội). Anh C. được chẩn đoán là mắc lao thể nặng, siêu kháng thuốc chống lao. Nguyên nhân là do bệnh nhân bỏ trị giữa chừng, không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân ho ra máu, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, thời gian điều trị sẽ dài và rất khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam, cho biết con số bệnh nhân lao kháng thuốc như anh C. ở Việt Nam là không hề nhỏ và đang ngày một tăng lên. Ước tính mỗi năm cả nước có 130.000 bệnh nhân mắc lao mới nhưng chỉ phát hiện được khoảng 100.000 người. Như vậy, khoảng 30.000 bệnh nhân còn lại chưa được phát hiện trong cộng đồng và không được điều trị bệnh theo đúng phác đồ. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm tăng số bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cũng như làm tăng con số tử vong.

Phòng đăng ký khám lao BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) luôn quá tải. Ảnh: DUY TÍNH

Theo ông Nhung, có bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là lao đa kháng thuốc và có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là lao siêu kháng thuốc. “Chưa đầy 10 năm nhưng tỉ lệ bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc ở nước ta đã tăng gần gấp đôi, từ 2,7% người bị lao lên 4% với ước tính khoảng 5.000 người. Trong đó có 5,6% bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc, tức là thuốc điều trị lao không có tác dụng” - ông Nhung cho biết. Hiện Việt Nam xếp thứ 14/27 nước có tỉ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao trên toàn cầu.

Thiếu lương tâm

“Nguyên nhân xuất hiện số ca đa kháng lao ở ngoài cộng đồng là quản lý thuốc chưa được chặt chẽ, thuốc chống lao ở đâu mua cũng được, đây là nguyên nhân cơ bản nhất. Theo quy định, thuốc chống lao phải bán theo đơn nhưng đôi khi chẳng có đơn cũng vẫn mua được, các hiệu thuốc đều có bán thuốc chống lao” - ông Nhung nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác rất quan trọng là do nhận thức của người dân chưa đầy đủ nên điều trị không đúng cách. Ngoài ra còn có một số thầy thuốc thiếu lương tâm, lợi dụng sự kém hiểu biết của người bệnh để kiếm tiền. “Có bác sĩ nói rằng thuốc của chương trình không tốt, phải mua thuốc ngoài do chính bác sĩ bán. Chúng tôi có những bằng chứng như vậy và chúng tôi đã có những cảnh báo nếu còn làm như thế thì chúng ta không bao giờ chống lao được” - ông Nhung chia sẻ.

Tìm ra thuốc chống lao mới

Với những trường hợp lao kháng thuốc thì bài toán đặt ra là phải có thuốc mới để điều trị. Ông Nhung cho biết sau 60 năm sử dụng thuốc chống lao hiện hành, thế giới đã tìm ra thuốc chống lao mới. Thuốc mới đầu tiên được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hướng dẫn là Bedaquiline, được sản xuất tại Mỹ. Thuốc thứ hai sắp tới sẽ là Delamanid có nguồn gốc từ Nhật. Thông qua hỗ trợ của WHO, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng các thuốc này.

“Việc điều trị bằng loại thuốc này được kiểm soát chặt chẽ. WHO sẽ có hướng dẫn và hỗ trợ phác đồ cụ thể cho chúng ta” - ông Nhung cho biết.

Thuốc mới sẽ được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và những bệnh nhân đa kháng thuốc nhưng không dung nạp khi sử dụng các thuốc hiện có. Thuốc mới sẽ mở ra cơ hội sống cho những người mắc lao hết thuốc chữa ở Việt Nam.

TP.HCM: Gấp bốn lần thế giới

Theo WHO, tỉ lệ lao kháng thuốc tại TP.HCM nhiều gấp bốn lần tỉ lệ trung bình trên thế giới. Kết quả nghiên cứu của Chương trình Chống lao quốc gia có 32,5% các trường hợp bệnh lao mới có mang vi trùng lao kháng thuốc, trong đó kháng với SM là cao nhất 25,1%, tiếp theo là INH là 20,0% (đây là hai thứ thuốc phổ biến trong điều trị bệnh lao). Riêng tại TP.HCM, số liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ kháng thuốc tại khu vực nội thành nổi trội hơn khu vực ngoại thành. Tỉ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB) của toàn TP.HCM là 2,3%, trong khi đó MDR ở khu vực nội thành là 3,8%.

Việc tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân MDR-TB giai đoạn 2011-2013 có xu hướng tăng 3% mỗi năm.

(Theo Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm