Có những cuộc đời bắt đầu từ dấu chấm hết

Không rời khỏi bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, gần 10 phút trôi qua, giọt nước mắt vẫn đọng lại trên đôi mắt bà.

“Đó là lời tri ân họ dành cho con tôi, một đứa trẻ dũng cảm. Một đứa con ngoan mà chắc cho đến lúc chết tôi vẫn luôn luôn tự hào” - bà NTH (TP.HCM) nén những xúc động đang trào dâng kể.

Hai năm trước, con trai bà - cậu sinh viên vừa tròn 20 tuổi đã nói với mẹ về chuyện muốn hiến tạng sau khi chết. “Nó nói với giọng quyết đoán và không một chút bận lòng. Không đắn đo, cả gia đình năm người chúng tôi đã cùng con đăng ký hiến tạng sau khi chết. Hai tháng sau, thằng bé ra đi đột ngột do tai nạn giao thông. Lúc đó chúng tôi đã rất khổ sở vượt qua cú sốc mất mát. Di nguyện của con gia đình cũng đã hoàn thành. Gần hai năm trôi qua, tôi biết con trai tôi vẫn còn sống, nó vẫn đang được sống trong những cơ thể khác, vẫn dõi theo cuộc đời này” - bà H. trầm tư.

Gần 25 năm qua, BV Chợ Rẫy TP.HCM từ hai ca ghép thận đầu tiên (1992) đến nay đã có hơn 500 ca ghép thận thành công. Đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia qua rất nhiều thời kỳ cùng sự đổi mới, học hỏi liên tục, đầu tư trang thiết bị, công nghệ từ nhiều nước. Tại buổi lễ tri ân, PGS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, khẳng định ghép mô-tạng sẽ không thể thực hiện nếu không có người hiến tạng. Vì nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nên hiến tạng từ người cho chết não hay ngừng tuần hoàn là cơ hội để bù đắp sự thiếu hụt trên.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của những người cho sống. Chính họ đã chia sẻ một phần thân thể rất quý giá của mình để đem lại sự sống cho người thân cũng như người khác trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ước nguyện của người cho chết não, ngưng tuần hoàn cũng như sự dũng cảm của gia đình người cho tạng đã nuôi dưỡng dòng chảy sự sống của nhiều người khác” - PGS Sơn chia sẻ.

Hiện nay, số người đang mòn mỏi chờ được ghép tạng vẫn đang ở mức hơn 10.000 người/năm, trong khi số người hiến tạng chỉ đạt mức 1.500. Vì vậy, điều mà chúng ta cần là sự đồng thuận của xã hội về việc tình nguyện hiến tạng cứu người. Xem đó như là việc làm cao cả, đầy tính nhân văn và lòng nhân đạo, đáng trân trọng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm