Coi chừng ung thư phụ khoa ở tuổi thiếu nữ

Nằm li bì tại giường bệnh BV Ung bướu TP.HCM, có lẽ TTBT (14 tuổi, ngụ Kiên Giang) chưa hiểu hết về căn bệnh quái ác mình đang mang. Ngồi bên con, ánh mắt buồn bã, chị Nguyễn Thị N., mẹ bé, cho hay từ Tết 2019 con đã có biểu hiện đau bụng nhưng chị không bao giờ nghĩ đó là dấu hiệu của căn bệnh quái ác.

14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Chị N. chỉ cho con đến bác sĩ tư gần nhà khám và được chẩn đoán viêm bàng quang, cho chích thuốc vài lần. Tuy nhiên, mới đây bé xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên nhưng kéo dài hai tuần bất thường, kèm theo da dẻ xanh xao, đau quặn bụng thì chị mới đưa con đi thăm khám ở TP.HCM. “Hồi đó giờ ở nhà không có ai mắc bệnh này cả nên tôi chỉ nghĩ bé bị bệnh thông thường thôi. Phải chi tôi đưa con đi khám chuyên khoa ngay từ đầu” - chị N. thẫn thờ.

Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T., BS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM) cho hay bé gái là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc ung thư cổ tử cung mà ông từng tiếp nhận. Kết quả CT, MRI ban đầu của bệnh nhân được nghĩ nhiều hơn là bướu vùng chậu hoặc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật khiến các bác sĩ hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện khối bướu xuất phát từ trong cổ tử cung và đã xâm lấn nhiều cơ quan khác như bàng quang, trực tràng, vách chậu... nên không thể cắt bỏ. “Hầu hết các ca ung thư cổ tử cung đều phát hiện ở phụ nữ lây nhiễm virus HPV qua quan hệ tình dục, do đó bé gái 14 tuổi chưa từng quan hệ tình dục mắc loại ung thư này thì cực kỳ hiếm, y văn Việt Nam chưa từng ghi nhận, y văn thế giới cũng rất ít. Dự kiến bé gái sẽ được xạ trị, hóa trị để đánh giá cắt khối u, tuy nhiên tiên lượng bệnh dè dặt” - BS Tiến chia sẻ.

Trường hợp trẻ tuổi mắc ung thư phụ khoa ở BV không phải là hiếm. BV đang điều trị cho bệnh nhân LTH (19 tuổi, độc thân, ngụ Bến Tre) bị ung thư cổ tử cung, có bệnh sử rong huyết một năm nay, cách đây hai tháng nhập BV với biểu hiện đau bụng, ra máu âm đạo… Bệnh nhân đã trải qua ca phẫu thuật nhưng do khối bướu tử cung to, xâm lấn toàn bộ túi cùng, chu cung vách chậu, xâm lấn bọng đái và hạch chậu nhiều nên không phẫu thuật được.

Bé gái 14 tuổi đang được điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HL

Chăm sóc con tại BV, chị NTL, mẹ bệnh nhân H., chia sẻ H. nghỉ học từ năm lớp 10 để làm công nhân may. Suốt một năm nay H. có biểu hiện rong kinh và có uống thuốc nhưng không bớt, đến khi đau bụng nhiều mới đưa đi BV ở tỉnh khám thì mới phát hiện bất thường. “Cứ nghĩ bệnh phụ khoa đơn giản thôi nhưng không ngờ là ung thư. Giá như một năm trước tôi đưa con đi chữa sớm thì có lẽ bệnh không nặng như bây giờ” - chị L. tâm sự.

Một trường hợp thương tâm khác là bệnh nhân TPT (18 tuổi) bị ung thư buồng trứng. Mới đây, bệnh nhân có biểu hiện bụng to dần và mệt mỏi, tuy nhiên gia đình không nghĩ em mắc bệnh mà la mắng con quan hệ bừa bãi dẫn đến có bầu. Sau đó, em được người dì đưa đến BV khám mới ra căn bệnh này.

Chích ngừa sớm cho các bé gái

BS CKII Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM) cho hay mỗi tháng khoa phát hiện 250-300 ca ung thư phụ khoa, trong đó ung thư buồng trứng là nhiều nhất, kế đến là ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, 2-3 năm trở lại đây, số ca ung thư cổ tử cung tăng rõ rệt và xuất hiện ở lứa tuổi rất trẻ. So với trước kia, số ca mắc ung thư cổ tử cung ở lứa tuổi này hiếm hơn nhiều. “Trong tuần qua có đến ba trường hợp ung thư cổ tử cung dưới 20 tuổi nhập BV và 4-5 ca dưới 26 tuổi mắc bệnh này. Tỉ lệ tăng thấy rõ” - BS Tiến thông tin. Cũng theo BS Tiến, ung thư phụ khoa ở người trẻ thường phát hiện ở giai đoạn muộn và tình cờ, ngẫu nhiên do tâm lý chủ quan, cha mẹ ít quan tâm đến con cái. Thường ung thư ở người trẻ diễn tiến rầm rộ, tiên lượng nặng hơn so với người lớn tuổi. Ung thư cổ tử cung trên 95% do nhiễm virus HPV do quan hệ tình dục nhưng người chưa quan hệ vẫn nhiễm loại virus này có thể do phơi nhiễm, qua tiếp xúc hoặc từ mẹ sang con.

Do đó để phòng tránh ung thư và bệnh diễn biến nặng, chị em phụ nữ cần có lối sống lành mạnh, cân bằng, bên cạnh đó trang bị cho mình kiến thức để phòng ngừa, chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư phụ khoa, đi khám ngay khi có biểu hiện bệnh.

“Các bậc phụ huynh nên quan tâm con cái nhiều hơn, đừng tưởng con còn trẻ sẽ không mắc các bệnh phụ khoa. Nếu con có bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, than đau bụng, tiêu tiểu khó, mệt mỏi, sụt cân, bụng to bất thường... thì nên đưa thăm khám chuyên khoa sớm. Giai đoạn sớm của ung thư phụ khoa, điều trị sẽ dễ dàng và bảo tồn được chức năng sinh sản, thiên chức làm vợ, làm mẹ cho các em hơn so với giai đoạn muộn” - BS Tiến lưu ý. Ngoài ra, hiện nay đã có vaccine ngừa virus HPV gây ung thư cổ tử cung và được chứng minh có hiệu quả nên phụ huynh có thể chích ngừa sớm cho các bé.

Cảnh báo người mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 

Tại Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu, BV Quân y 175, BS Phạm Thành Luân cho hay thời gian gần đây số ca người trẻ mắc ung thư phụ khoa có dấu hiệu tăng, trong đó không ít trường hợp dưới 20 tuổi.

Theo BS Luân, một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú được ghi nhận có khoảng 10% do thừa hưởng đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Do đó, người mang hai gen di truyền này nên tầm soát ung thư “dày” hơn người bình thường.

Chữa một tuần không giảm bệnh, coi chừng ung thư

Người dân nên theo dõi những dấu hiệu mắc bệnh ung thư sớm ở những trang thông tin của BV có uy tín để nhận biết và đi khám chuyên khoa sớm. Khi chữa các bệnh như viêm nhiễm phụ khoa từ một tuần đến 10 ngày không thuyên giảm thì phải nghĩ đến khả năng ung thư để đi khám chuyên khoa. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.