Công bố 9 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2018

Chiều 26-12, Bộ Y tế đã công bố chín sự kiện y tế tiêu biểu năm 2018, trong đó lĩnh vực vaccine đạt được nhiều thành tựu.

1. Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vaccine cúm mùa “3 trong 1”; vaccine sởi do Việt Nam sản xuất được chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế.

Ngày 25-9-2018, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC, Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1”, gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí.

Ngày 13-12-2018, dự án sản xuất vaccine sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện đã hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine sởi, vaccine phối hợp sởi - rubella và sản xuất thành công vaccine chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dự án được nhận giải thưởng của chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết

Ngày 8-10-2018, tại Manila (Philippines), trong kỳ họp lần thứ 69 khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Việt Nam đã được công nhận loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, nâng tổng số quốc gia đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên 11 nước.

Tại Việt Nam, bệnh giun chỉ bạch huyết đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh. Bệnh do một số loại giun chỉ bạch huyết gây nên và được lây truyền bởi muỗi. Từ năm 2002, chương trình loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của WHO. Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO.

3. Việt Nam được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày 7-3-2018, tại Cape Town (Nam Phi), Bộ Y tế Việt Nam được vinh danh tại hội nghị toàn thế giới về “Thuốc lá hay sức khỏe” lần thứ 17.

Đồng thời, Việt Nam cũng được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg về kiểm soát thuốc lá (Global Award on Tobacco Control) vì những thành tựu nổi bật trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hội nghị có sự tham gia của trên 100 quốc gia với hơn 2.000 đại biểu.

4. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời sáu tạng từ cùng một người cho chết não ghép cho năm bệnh nhân

Ngày 12-12-2018, kíp mổ 100% bác sĩ của BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện lấy sáu tạng từ một người cho chết não ghép đồng thời cho bốn bệnh nhân (một tim, hai phổi, một gan, một thận). Đồng thời kết hợp điều phối “xuyên Việt” một thận cho bệnh nhi ở TP.HCM đang nguy kịch.

5. Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao

Tính đến 31-12-2018, trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 87,5% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016, đến năm 2018 đạt 85,2% dân số) và vượt chi tiêu Quốc hội giao.

6. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc

63 tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Cụ thể, đã phối hợp với Viettel cùng các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc. Cấp tài khoản cho 15.178 cơ sở bán lẻ thuốc; có 2.787 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý; chuẩn hóa được 55.000/60.000 danh mục thuốc y tế.

7. Năm đầu tiên xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, theo hướng hội nhập quốc tế để tiến tới nhân rộng toàn quốc

Nhằm triển khai Nghị quyết 20, Nghị quyết 21, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 1379/Ctr-BYT triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Bộ Y tế đã triển khai và nhân rộng mô hình của 26 trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình theo hướng hội nhập quốc tế. Cụ thể, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới cơ chế tài chính, chính sách bảo hiểm y tế, tập trung vào phòng chống các bệnh không lây nhiễm, quản lý hồ sơ sức khỏe người dân theo nguyên lý y học gia đình. Thời gian tới sẽ triển khai nhân rộng mô hình toàn quốc đến hơn 11.000 trạm y tế xã, phường.

8. Cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu

Ngày 12-11-2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Trong đó, cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư kinh doanh (72,85%); cắt giảm 169/234 thủ tục hành chính (72,22%).

Trước đó, ngày 2-2-2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, khoảng 98% các lô hàng thuộc năm mặt hàng của 815 dòng hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Tổng ước tính sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm (khoảng 3.332,5 tỉ đồng/năm, chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).

9. Năm đầu tiên Việt Nam chuyển đổi vaccine Quinvaxem sang sử dụng vaccine ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Do Hàn Quốc ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng vaccine ComBE Five có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương đương vaccine Quinvaxem. Đây là vaccine phối hợp phòng năm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Vaccine ComBE Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010 và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO. Vaccine này đã được sử dụng tại 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm