Cuối năm 2017, sẽ có vaccine sốt xuất huyết?

Chiều 8-10, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết nghiên cứu sản xuất vaccine phòng sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam đã tiến hành ở giai đoạn cuối, công việc nghiên cứu về cơ bản đã hoàn tất.

Thời điểm do nhà sản xuất

“Hiện nay chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã thành công. Còn thời điểm đưa ra thị trường là do nhà sản xuất, nhà sản xuất sẽ tính đến chuyện làm thủ tục, hồ sơ để đưa sản phẩm vaccine ra thị trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ là cũng sẽ sớm đưa ra thị trường thôi” - ông Lân nói.

Ông Lân cũng cho biết để hoàn thành toàn bộ nghiên cứu phải đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vaccine chưa nói trước được điều gì, bởi trong quá trình nghiên cứu có thể chưa đạt thì vẫn phải tiến hành thêm. Hoặc phát hiện một điểm mới nào đó cần phải nghiên cứu làm rõ thêm. Vì vậy nói chính xác thời điểm đưa ra thị trường là rất khó.

Cùng ngày, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết sản xuất vaccine SXH là một vấn đề vô cùng khó khăn. Bởi virus SXH hiện có bốn type gây bệnh. Trong khi đó bốn type lại không có miễn dịch chéo với nhau. Người mắc bệnh chỉ có miễn dịch với một type và vẫn có khả năng tiếp tục mắc bệnh ở type khác. Do đó sản xuất vaccine SXH đứng trước một thách thức, làm sao đạt hiệu quả phòng bệnh trên cả bốn type. Hiện tại nghiên cứu này vẫn còn một số điểm chưa hoàn hảo, cần phải nghiên cứu sâu để làm rõ.

Bệnh nhân SXH tăng mạnh, chủ yếu là trẻ em, khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Cân nhắc khi sản xuất đại trà

Theo GS-BS Trần Tịnh Hiền, đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford Việt Nam, kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine SXH giai đoạn 3 do Tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp) phối hợp Viện Pasteur TP.HCM thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế để có thể tiến đến việc sản xuất đại trà. Thứ nhất, qua kết quả nghiên cứu được công bố thì hiệu quả của vaccine chưa cao. Thử nghiệm tại một số nước châu Á (cả Việt Nam), vaccine có khả năng bảo vệ chống lại type virus D3 và D4 75%, type D1 50% và type D2 chỉ là 35%. Kết quả thử nghiệm tại châu Mỹ La tinh cũng tương tự, chỉ có type D2 tăng được 42,3%. Thứ hai, hiệu lực vaccine chỉ có ở trẻ trên chín tuổi và chỉ những ai đã nhiễm virus dengue thì vaccine mới có hiệu quả cao. Thứ ba, nghiên cứu cũng chưa giải thích được sự gia tăng nhập viện trong năm thứ ba chích ngừa ở các trẻ nhỏ. Kết quả thử nghiệm chung của vaccine trên nhóm trẻ chín tuổi trở lên đạt hiệu quả chỉ 65% là thấp, trong khi theo thông lệ quốc tế, vaccine phải đạt hiệu quả bảo vệ ít nhất 80%-90%.

Trước nay dịch bệnh SXH vốn diễn ra rất phức tạp. Thực tế cho thấy Việt Nam (và cả nhiều nước khác trên thế giới) chưa thể kiểm soát được bệnh này. Vấn đề là làm thế nào giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong. GS Hiền cho biết hiện thế giới chưa có bất cứ vaccine nào ngừa được một cách hiệu quả bệnh SXH. Nên việc chế tạo được một loại vaccine như hiện nay là một bước đột phá lớn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cần thông tin một cách đầy đủ, minh bạch cho người dân, nhất là cho giới quản lý để hoạch định chính sách đúng đắn, cân nhắc đối tượng được chỉ định sử dụng vaccine. Bên cạnh đó, hiểu rõ hạn chế của việc tiêm ngừa vaccine để tăng cường những biện pháp phòng ngừa khác như tuyên truyền diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, ngủ màn…, đặc biệt là đẩy mạnh công tác dự báo dịch bệnh, lĩnh vực mà nước ta vẫn còn khá yếu.

Nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng, chống SXH giai đoạn 3 ở châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy hiệu quả vaccine ở nhóm trẻ từ chín tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca nhập viện và 93% ca SXH nặng. Đối với nhóm trẻ dưới chín tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca nặng. Kết quả của nhóm chín tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu (năm năm sau khi tiêm vaccine) để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vaccine này không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào.

_______________________________

Theo Bộ Y tế, hằng năm có khoảng 50.000-100.000 trường hợp mắc bệnh SXH. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 ca mắc bệnh, ít nhất 28 người đã tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm