Cứu sống một trẻ bị ong vò vẽ đốt hơn 150 mũi

Theo bệnh án, bệnh nhi ra vườn nhặt củi, vô tình làm động tổ ong vò vẽ gần đó và em bị chúng tấn công. Người nhà phát hiện đưa em đến BV địa phương. Lúc này em trong tình trạng sốc nhẹ, huyết áp tụt, rối loạn tri giác, sưng phù mặt. Em được cấp cứu chống sốc phản vệ nọc ong. 

Mặc dù sau đó huyết áp có cải thiện nhưng em bắt đầu lơ mơ, khó thở, tiểu đỏ nên em được chuyển đến BV Nhi đồng 1. Tại đây ghi nhận em có trên 150 vết đốt ở toàn thân. Kết quả xét nghiệm cấp cứu cho thấy em bị tổn thương gan với men gan tăng cao, tổn thương thân, hủy cơ, tán huyết, tiểu ra máu…

“Bệnh nhi được cho thở ô xy và được lọc máu liên tục cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Sau 36 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhi tỉnh dần, tình trạng suy hô hấp cải thiện, tiểu ra máu giảm”, BS Tiến cho biết.

Theo BS Tiến, đây là trường hợp ong đốt nặng gây biến chứng tổn thương đa cơ quan nghiệm trọng. BS Tiến nhiều lần khuyến cáo việc phát quang bụi rậm xung quanh nhà phòng rắn cắn, ong đốt cho trẻ em trong mùa hè là rất cần thiết, tuy nhiên vẫn có nhiều trẻ nhập viện do ong đốt và rắn cắn trong thời gian mà nguyên nhân xuất phát từ các bụi rậm xung quanh nh làm ơ trú ẩn của côn trùng, rắn rít.  

Việc cần làm khi bị ong đốt

Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công.

Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

Tiếp đó, cần rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát khuẩn như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; Uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nặng để được cấp cứu kịp thời.

(Theo suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm