Đầu tư y tế tư không như “mì ăn liền”

LTS: Bệnh viện, phòng khám tư nhân ra đời được xem là một trong những giải pháp chia sẻ gánh nặng quá tải với hệ thống y tế công lập. Đã có không ít cơ sở thành công. Tuy nhiên, sự ra đời ồ ạt và thiếu định hướng đã khiến một số cơ sở y tế tư đứng trước nhiều khó khăn. Mặt khác, một số quy định, chính sách của Nhà nước chưa thật sự tạo thuận lợi cho hệ thống y tế tư nhân phát triển.

Phải nhìn nhận thời gian qua, trong hệ thống y tế ngoài công lập có nhiều cơ sở đã gặt hái thành công. Đó là các phòng khám đa khoa tư và một số bệnh viện tư như BV Tâm Đức, BV Ngoại Thần Kinh, BV An Sinh, BV Triều An, BV FV, Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic… Nguyên nhân nào dẫn đến thành công?

Người thành công…

Nói về sự thành công của BV STO Phương Đông (quận 10), vị đại diện bệnh viện này cho rằng đầu tư vào y tế là đầu tư vào lĩnh vực nhân văn nên bỏ vốn nhiều nhưng chắc chắn thu nhập không cao. Bệnh viện đi lên là do uy tín từ thương hiệu. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải trải qua quá trình lâu dài hoạt động được bệnh nhân tin tưởng và phải chấp nhận một, hai năm đầu không có lời.

Đồng quan điểm, TS-BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á (Củ Chi), nói thêm theo ông vấn đề chính đem lại thành công là xác định một cách rõ ràng về mặt chiến lược: Đối tượng người bệnh có nhu cầu điều trị chiếm đa số là đối tượng nào? Người dân, người bệnh đang cần gì? Địa điểm đầu tư nào thích hợp?... Việc xác định rõ về chiến lược đầu tư là tiền đề để có kế hoạch đầu tư chi tiết, kỹ càng cho từng công đoạn đầu tư. Đặc biệt với bệnh viện tư, cần tinh giản tối đa mọi chi phí. “Theo kế hoạch, 2-3 năm sau chúng tôi sẽ triển khai đầu tư thêm hai trung tâm điều trị chuyên sâu (trung tâm tim mạch và trung tâm thần kinh) để có thể giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng. Bài toán tài chính chúng tôi sẽ cân đối trên nguyên tắc phù hợp với khả năng tài chính của đối tượng khách hàng có nhu cầu mà chúng tôi hướng đến” - BS Châu cho biết.

Phòng chụp ảnh cắt lớp của BV STO Phương Đông (quận 10, TP.HCM), một trong các bệnh viện tư thành công do có chiến lược đầu tư đúng hướng. Ảnh: BV STO PHƯƠNG ĐÔNG

… Kẻ thất bại

Tuy nhiên, sự “sụp đổ” của các phòng khám, bệnh viện tư trong thời gian qua cũng không phải là ít. Trong đó phải kể đến các bệnh viện đầu tư nhiều nhưng đang ngắc ngoải như VG, PT, VA, ĐH… Theo nhận định của các chuyên gia, hiện có đến 60% bệnh viện tư “sống dở chết dở”.

Chẳng hạn như BV PT, ban đầu thành lập bệnh viện chọn lĩnh vực mũi nhọn là ung bướu, sau đó phát triển lên đa khoa. Sai lầm của bệnh viện là từ khi dễ dãi tuyển bác sĩ mới ra trường về làm việc dẫn đến mất uy tín, mất khách. Kinh doanh thua lỗ, cổ đông không đóng góp vốn dẫn đến nguy cơ bệnh viện này sụp đổ. Hiện bệnh viện này đang trong tình trạng bán không ai dám mua vì đang phải thi hành án để trả nợ thuế và nợ ngân hàng.

Một phòng khám đa khoa khác mới thành lập tại quận 10, đầu tư 2-3 triệu USD nhưng hoạt động mới ba tháng thì… không chịu nổi vì không hiệu quả. Hiện phòng khám này cũng đang kiếm người khác để sang lại. Một bệnh viện khác là BV AP ở quận 12, khi “cái vỏ” chưa hình thành thì nội bộ đấu đá nhau, kiện tụng tranh chấp

Lý giải về các phòng khám, bệnh viện tư “thoái trào”, ông Nguyễn Lê Mai Kha, Giám đốc Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Việt (quận Tân Phú), cho rằng các phòng khám, bệnh viện này đầu tư không tới nơi tới chốn, chủ yếu là làm theo kiểu “mì ăn liền”, làm để kiếm tiền chứ không do tâm huyết.

Ngoài ra, theo đại diện BV STO Phương Đông, sự sụp đổ tất yếu của một số bệnh viện, phòng khám tư là do vay vốn ngân hàng dẫn đến trả lãi nhiều, có quá nhiều cổ đông nhưng mỗi người một ý và thực lực chuyên môn không có gì.

DUY TÍNH

Công suất giường bệnh tư chỉ đạt 60%

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 38 bệnh viện tư với 3.714 giường bệnh, chiếm hơn 11% so với tổng số giường công lập (28.840 giường). Công suất giường bệnh của hệ thống bệnh viện tư mới chỉ đạt khoảng 60%. Có một số bệnh viện tư hoạt động tốt như BV Tâm Đức với việc đồng hành cùng nhà tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo; BV Xuyên Á chia sẻ với Nhà nước về giá viện phí, chỉ lấy bằng hoặc cao hơn chút ít bệnh viện công, góp phần chia sẻ sự quá tải.

Sắp tới, theo tôi các bệnh viện tư cần chú trọng phát triển các chuyên khoa như ung bướu, nhi, sản, chỉnh hình để chia sẻ vấn đề quá tải với ngành y tế.

TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

BV STO Phương Đông thành lập năm 1997, ban đầu là chuyên khoa, sau mở thành đa khoa nhưng vẫn tập trung chuyên khoa chấn thương chỉnh hình làm mũi nhọn. Hiện lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ổn định, trong đó có cả bệnh nhân các tỉnh phía Bắc và Campuchia.

Về sự thành công của bệnh viện, theo tôi do bản thân tôi được nhiều người biết đến trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, đặc biệt là kéo dài chi, chỉnh hình cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, chúng tôi thường đi khám sức khỏe miễn phí nhiều nơi nên bệnh nhân cũng biết đến. Mặt khác, bệnh viện làm được tất cả phẫu thuật đỉnh cao với bác sĩ có chuyên môn cao nhưng viện phí ở mức trung bình.

BS LÊ ĐỨC TỐ, Giám đốc  BV STO Phương Đông

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm