Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn già đi?

Theo Mayo Clinic, hầu như mọi người đều chỉ biết rằng lão hóa sẽ phát triển các nếp nhăn và tóc bạc. Tuy nhiên, ít người biết rằng sự già đi cũng ảnh hưởng lớn đến tất cả cơ quan trong cơ thể như răng miệng, hệ thống tim mạch, xương khớp, thậm chí cả khả năng tình dục. Nhận biết về những thay đổi xảy ra khi cơ thể bị lão hóa sẽ giúp bạn sớm bổ sung dưỡng chất, hoạt động lành mạnh để tăng cường sức khỏe ở mọi lứa tuổi.
Dưới đây là những thay đổi xảy ra với cơ thể khi bạn già đi và cách cải thiện duy trì sức khỏe, làm chậm các triệu chứng lão hóa đó.

Hệ thống tim mạch

Khi bạn già đi, nhịp tim đập chậm hơn và trái tim có thể to hơn. Mạch máu và động mạch trở nên cứng, vì vậy trái tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu thông qua chúng. Điều này sẽ dẫn đến bệnh cao huyết áp và các vấn đề tim mạch khác.

Cách cải thiện: Để thúc đẩy sức khỏe tim mạch, bạn nên thường xuyên vận động, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội để giảm huyết áp và mức độ làm cứng động mạch. Ngoài ra, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại rau, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu chất xơ và protein giúp bạn duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Cần hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và natri. Ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo và sửa chữa hệ thống tim mạch và mạch máu trong cơ thể.

Xương khớp và cơ bắp

Cơ thể ngày càng già, xương có xu hương thu nhỏ kích thước và mật độ dẫn đến suy yếu và dễ gãy hơn, thậm chí chúng có thể ngắn hơn bình thường một chút. Trong khi đó, cơ bắp của bạn mất đi sức mạnh và tính linh hoạt, bạn dễ gặp khó khăn khi cân bằng.

Cách cải thiện: Để tăng cường xương khớp và cơ bắp, bạn cần bổ sung đủ lượng canxi, vitamin D cần thiết cho cơ thể. Những người 19-50 tuổi cần nhận đủ 1.000 mg canxi và 600 IU vitamin D mỗi ngày. Các hoạt động thể chất hằng ngày như đi bộ, chạy, tennis, leo cầu thang và tập tạ có thể giúp bạn xây dựng xương và tránh loãng xương. Tránh hút thuốc và hạn chế rượu bia.

 Cơ thể bạn thay đổi rất nhiều khi bạn già đi. Ảnh: Asrarmag

Hệ thống tiêu hóa

Táo bón là triệu chứng xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi. Có nhiều yếu tố gây táo bón như chế độ ăn uống ít chất xơ, không uống đủ nước và thiếu vận động. Các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, bổ sung sắt hay các bệnh thông thường như tiểu đường, hội chứng ruột kích thích cũng là nguyên nhân gây triệu chứng này.

Cách cải thiện: Một chế độ ăn uống lành mạnh giàu chất xơ là điều cần thiết khi cơ thể già đi. Hạn chế các loại thịt có nhiều chất béo, các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo. Đặc biệt, bạn cần phải uống nhiều nước.

Bàng quang và đường tiết niệu

Mất kiểm soát bàng quang (đi tiểu không tự chủ) xảy ra chủ yếu ở người già. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như mãn kinh ở nữ giới, phì tuyến tiền liệt ở nam giới.

Cách cải thiện: Bạn nên tự tạo ra một lịch trình đi vệ sinh theo giờ, chẳng hạn như mỗi giờ/lần để hạn chế việc đi tiểu không tự chủ. Tránh các chất có thể kích thích bàng quang như caffeine, các loại thực phẩm có tính acid, rượu và đồ uống có ga.

Trí nhớ

Bộ nhớ làm việc kém hiệu quả khi bạn ngày càng già. Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu những điều mới mẻ hoặc nhớ tên người thân, vật dụng quen thuộc.

Cách cải thiện: Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả não bộ, giúp cải thiện trí nhớ tốt hơn. Bạn cũng nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập trung vào các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc. Ngoài ra, suy nghĩ tích cực, tránh stress, trầm cảm cũng góp phần ổn định trí nhớ.

Mắt và tai

Khi già đi, bạn có thể gặp khó khăn trong việc nhìn, mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng chói và khó thích nghi với các mức độ khác nhau của ánh sáng. Điều đó dẫn đến tầm nhìn bị che khuất, gây đục thủy tinh thể. Thính giác của bạn cũng bị suy giảm, bạn gặp khó khăn khi nghe các tần số cao hoặc trong phòng đông người.

Cách cải thiện: Để thúc đẩy khả năng nghe nhìn, bạn nên thường xuyên tới bác sĩ để phát hiện sớm và điều trị các vấn đề liên quan. Ngoài ra, đeo kính mát hoặc mũ rộng vành khi đi ra ngoài trời, sử dụng nút tai khi bạn đứng cạnh máy móc ồn ào hoặc những tiếng động lớn khác.

Răng miệng

Nướu răng có thể bị co lại. Một số loại thuốc điều trị dị ứng, hen suyễn, huyết áp, cholesterol cao có thể gây khô miệng. Điều đó khiến răng, nướu răng dễ bị sâu và nhiễm trùng hơn.

Cách cải thiện: Đánh răng hai lần/ngày và sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên để làm sạch răng. Bạn cũng nên đi khám nha khoa thường xuyên để bảo vệ răng miệng.

Làn da

Khi già đi, làn da trở nên mỏng, kém đàn hồi hơn do sự sụt giảm của các mô mỡ dưới da. Bạn có thể nhận thấy da dễ bị bầm tím dễ dàng. Việc giảm lượng dầu tự nhiên sẽ làm da khô hơn, nếp nhăn, nám, tàn nhang cũng từ đó xuất hiện càng nhiều.

Cách cải thiện: Tắm nước ấm, sử dụng xà phòng dịu nhẹ và dưỡng ẩm sẽ giúp cải thiện làn da khô ráp, sần sùi do lão hóa. Bôi kem chống nắng và mặc quần áo bảo hộ nếu ra ngoài trời. Kiểm tra làn da của bạn thường xuyên và hỏi ý kiến bác sĩ nếu có thay đổi.

Cân nặng

Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là việc khó khăn khi bạn ngày càng già đi. Khối lượng cơ bắp và chất béo của cơ thể giảm đi và làm việc không hiệu quả.

Cách cải thiện: Cách duy trì cân nặng khỏe mạnh chủ yếu là hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh với rau củ quả, các thực phẩm giàu chất xơ. Bạn nên hạn chế tiêu thụ đường và các thực phẩm giàu chất béo bão hòa.

Hoạt động tình dục

Khi lão hóa, nhu cầu và hiệu suất tình dục có thể thay đổi. Bệnh tật, thuốc ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận sự thỏa mãn. Đối với phụ nữ, khô âm đạo khiến "chuyện yêu" không thoải mái. Trong khi đó, liệt dương, rối loạn cương dương là mối bận tâm của nam giới.

Cách cải thiện: Chia sẻ với bạn đời về nhu cầu và mối quan tâm của bản thân. Bạn có thể thử nghiệm các vị trí "yêu" khác nhau để tìm ra vị trí thỏa mãn tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ để có những phương pháp điều trị cụ thể giúp tăng ham muốn cho cả hai giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm