Điều trị bệnh nhân F0: 'Tăng cường sản xuất oxy và trang bị máy trợ thở'

Tối 13-7, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản số 4534/SYT-NVY về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly taị nhà với các trường hợp F0, F1. 

Với các trường hợp F0, Sở Y tế hướng dẫn có hai đối tượng F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Đối tượng thứ nhất là trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value> 30), không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1. Bệnh nhân tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Về công tác tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0, ngành y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp này. Cạnh đó, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc thực hiện cách ly F0 tại nhà, PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM cho rằng tùy theo nguồn lực ở mỗi thời điểm mà tính toán cách chống dịch phù hợp, dịch sẽ trở đi trở lại nhiều lần không thể dứt hẳn. Việc “trường kỳ kháng chiến” là cần thiết, không máy móc áp dụng phương cách chống dịch thành công của những đợt trước cho đợt này. 

Biến chủng đợt này rất dễ lây lan và sẽ có nhiều điểm dịch trên diện rộng, số ca nhiễm còn tăng cao. Khi hệ thống y tế bị quá tải, việc cho cách ly F0 tại nhà được tính đến cũng là điều bình thường, trước hết dành cho những đối tượng là cán bộ y tế vì họ đã có kiến thức và kinh nghiệm ít nhiều trong chống lây lan dịch cho người thân. Khi triển khai cách ly rộng rãi F0 tại nhà, nên đưa về cho tổ dân phố, khu phố, phường chịu trách nhiệm cách ly, theo dõi và giám sát.
Dĩ nhiên cần có mạng lưới được huấn luyện đủ tốt để phân loại từng nhóm nguy cơ tử vong để quản lý đúng nơi đúng chỗ, đồng thời phát hiện kịp thời những ca tiến triển nặng và chuyển bệnh viện khi cần thiết. Các F0 lớn tuổi, có bệnh nền, là những người có thể sẽ tiến triển nặng thì đưa vào cơ sở điều trị để theo dõi tốt hơn.
Theo BS Ngọc, bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra cũng giống như bao bệnh lý khác, không phải tất cả người mang virus đều phát bệnh, đa số sẽ tự khỏi. Mục tiêu của điều trị là hạn chế số lượng bệnh nhân tử vong mới là tối quan trọng. Do đó, việc tập trung cần làm là trang bị đủ cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị như oxy, máy thở để kịp thời điều trị các bệnh nhân nặng.
Việc tính đến tăng cường sản xuất oxy và trang bị máy thở cần làm ngay lúc này. Đồng thời tổ chức tập huấn việc quản lý F1, F0 tại nhà, đào tạo BS hồi sức cấp cứu cho các tỉnh cũng cần làm ngay bên cạnh triển khai vaccine sớm.
“Chủng Delta có hệ số lây lan rất cao, kể cả tiếp xúc trong thời gian ngắn, đã được chứng minh trong đợt bùng phát lần thứ 4 này. Do đó , tránh tập trung đông người như tổ chức tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc, lưu thông trên đường phố vừa rồi, an toàn tránh lây lan hơn là tốc độ hoàn thành nhiệm vụ. Cần luôn luôn tuân thủ nguyên tắc 5K mọi lúc mọi nơi và mọi sự kiện , kể cả đối với những người đã chích ngừa 2 lần rồi”, - BS Ngọc khuyến cáo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm