500 bác sĩ trẻ về các huyện nghèo

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo của Bộ Y tế được triển khai từ nay đến năm 2016. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành y với bằng khá, giỏi sẽ được tuyển dụng về các bệnh viện (BV) trung ương hoặc BV tỉnh, sau đó luân chuyển về các BV tuyến huyện. Ngoài ra, các bác sĩ chưa được tuyển dụng chính thức ở các BV tuyến trung ương hoặc không làm việc trong hệ thống y tế công cũng có thể tham gia dự án này.

Nhiều chính sách ưu tiên

Có ba đối tượng được ưu tiên trong dự án về công tác ở 62 huyện nghèo. Thứ nhất là các bác sĩ mới ra trường đạt loại khá, giỏi được tuyển dụng về một số BV trực thuộc Bộ, Sở Y tế. BV này sẽ trực tiếp đào tạo hai năm, sau đó được cấp bằng chuyên khoa cấp I (CKI).

Đối tượng thứ hai là bác sĩ mới ra trường, được tiếp tục đào tạo hai năm, được cấp bằng CKI, ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề. Các bác sĩ đã tốt nghiệp, chưa chính thức làm việc ở các cơ sở y tế công lập, được tiếp nhận đào tạo hai năm, cấp bằng CKI.

500 bác sĩ trẻ về các huyện nghèo ảnh 1

Bác sĩ trẻ tình nguyện khám bệnh cho người dân tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: CTV

Đối tượng thứ ba là sinh viên năm thứ năm, được đào tạo chuyên khoa định hướng một năm, tiếp tục đào tạo sáu tháng đến một năm về chuyên ngành. Tất cả đối tượng trên đều được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó về công tác tại huyện đăng ký.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 62 huyện nghèo, rất ít huyện có bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cấp I, II vì điều kiện và môi trường làm việc chưa đủ sức hút đối với các cán bộ y tế, đặc biệt các cán bộ y tế có trình độ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải BV tuyến trên.

Cầm tay chỉ việc

Dự án triển khai theo hướng hài hòa nhu cầu của 62 huyện nghèo, nguyện vọng của bác sĩ và khả năng đào tạo của các BV tiếp nhận bác sĩ trẻ.

PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cho biết sau khi các sinh viên tốt nghiệp, dự án sẽ đào tạo theo hình thức bác sĩ CKI hoặc trải qua 12 tháng đào tạo chuyên khoa định hướng, được cấp chứng chỉ hành nghề rồi mới đưa về các huyện nghèo công tác. Trong thời gian đó, các BV tuyến trung ương tiếp tục cử người rèn luyện, hướng dẫn với hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Dự án có sự cam kết của bốn bên: BV tuyến trung ương chịu trách nhiệm tiếp nhận bác sĩ trẻ, Nhà nước hỗ trợ tiền học chuyên khoa định hướng hoặc CKI, địa phương cam kết tạo điều kiện tốt nhất có thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở đào tạo phải xây dựng các chương trình đào tạo đặc thù.

Khó giữ bác sĩ sau thời gian tình nguyện

Theo PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, bác sĩ tham gia dự án sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên như được miễn toàn bộ học phí đào tạo CKI, được hưởng 100% lương, không tính thời gian tập sự. Hiện tại Bộ đang xây dựng khoản lương cho các bác sĩ này, dự kiến mức lương sẽ cao gấp 2,5-3 lần. Ngoài ra sẽ có những chế độ đặc biệt như bố trí nhà công vụ, tạo điều kiện học nâng cao…

Tuy nhiên, sau năm năm khi dự án kết thúc, các bác sĩ sẽ trở về BV tuyến trung ương, mấy ai mặn mà với những người dân khó khăn, thiếu thốn đủ bề, khi đó các BV huyện nghèo có thể sẽ phải quay trở lại với “cái máng lợn cũ”. Và tình trạng thiếu nhân lực y tế trình độ cao ở các huyện nghèo sẽ tiếp diễn khi chỉ trông chờ vào các dự án.

PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp cho giai đoạn này, lâu dài phải luật hóa mới có thể bền vững được. “Sau năm 2016, Bộ Y tế đánh giá, rà soát hiệu quả dự án, báo cáo với Chính phủ và Quốc hội để có thể phải xây dựng luật nghĩa vụ đối với các bác sĩ, dược sĩ. Coi việc về vùng sâu, vùng xa công tác có thời hạn là nghĩa vụ trong cuộc đời làm việc của bác sĩ” - ông Hưng nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, nhân lực bác sĩ tuyến huyện khu vực miền núi, đặc biệt là 62 huyện nghèo còn thiếu nhiều. Trong 34 BV của 62 huyện nghèo chỉ có nhiều nhất là 28 bác sĩ, thấp nhất là sáu bác sĩ, thậm chí nhiều huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II. Các trung tâm y tế huyện thì số lượng bác sĩ còn hạn chế hơn nhiều. Hiện nay 62 huyện nghèo đang cần 419 bác sĩ ở 17 chuyên khoa.

Ngày 27-2, dự án đưa 500 bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo sẽ được khởi động. Dự kiến tháng 6-2014, đợt bác sĩ tình nguyện đầu tiên sẽ về với 62 huyện nghèo. Người dân ở các vùng khó khăn sẽ có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng. Đến nay đã có hơn 150 bác sĩ từ các trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Thái Nguyên đăng ký tham gia.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm