73% đơn thuốc không được giám sát

Tại hội nghị “Nâng cao chất lượng đào tạo dược sĩ trong thời kỳ hội nhập” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến 14-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: Hệ thống giáo dục đại học ngành dược đang khó kiểm soát về chất lượng đào tạo. Đặc biệt, số dược sĩ chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hiện tỉ lệ dược sĩ mới đạt 1,19 người/10.000 dân.

Thiếu kỹ năng làm việc

TS Lê Viết Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, thông báo kết quả khảo sát mới đây của Công ty Intel về chất lượng sinh viên dược trong các cơ sở đào tạo hiện nay. Đó là chất lượng đào tạo rất thấp, sinh viên ra trường rất yếu về năng lực chuyên môn, thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp, khả năng tự nghiên cứu, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, tin học... Chính vì vậy, tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, dược sĩ lâm sàng chưa được chú trọng, tư vấn cho bác sĩ cũng như bệnh nhân sử dụng thuốc còn nhiều hạn chế.

73% đơn thuốc không được giám sát ảnh 1

Nếu có dược sĩ có chuyên môn giám sát, chi phí điều trị của bệnh nhân được giảm nhiều. Ảnh: TỐ NHƯ

Thạc sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định: Về chuyên môn, dược sĩ lâm sàng có vai trò thiết lập mối quan hệ điều trị bằng thuốc giữa bác sĩ - điều dưỡng và bệnh nhân. Tư vấn cho bệnh nhân khi xuất viện về những lưu ý, thận trọng và cách thức dùng thuốc. Và cũng giúp bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp với bệnh nhân nhằm giảm kinh phí điều trị. Đây là vai trò rất quan trọng.

“Tuy nhiên, do thiếu dược sĩ có tay nghề nên 73% đơn thuốc hiện nay của bác sĩ không được giám sát. Đặc biệt là tư vấn về nguy cơ, lợi ích, giá thành thì chưa làm được” - Phó Cục trưởng Thái nói. Thống kê tại 245 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh, với gần 52.000 giường bệnh nhưng chỉ có gần 470 dược sĩ (đạt tỉ lệ 0,009 dược sĩ/giường bệnh) trong khi tỷ lệ theo quy định là 1/15.

Chưa có chuẩn đầu ra

Lý giải nguyên nhân dược sĩ vừa thiếu vừa yếu, PGS-TS Lê Viết Hùng cho hay: Mặc dù có rất nhiều chương trình ưu tiên phát triển giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhưng sinh viên dược ra trường vẫn còn nhiều yếu kém. Nguyên nhân bởi do sinh viên phải chịu ảnh hưởng của phương pháp giảng đọc-chép là chủ yếu, nặng về truyền đạt kiến thức. Có nhiều môn học không được thiết kế dựa trên thực tế công tác của sinh viên khi ra trường...

Một nguyên nhân khác theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế) Trần Quốc Kham là: “Do chưa có chuẩn đầu ra của các loại hình nhân lực được đào tạo nên sau khi ra trường, các sinh viên dược được phân bổ đi làm việc ngay cũng là nguyên nhân của tình trạng trên”. Ông Kham cũng chỉ ra rằng mức đầu tư ngân sách cho các trường quá thấp, thiếu chính sách đồng bộ về đào tạo và sử dụng, chế độ đãi ngộ cho cán bộ giảng dạy chưa tương xứng. Ngoài ra, công tác quản lý đào tạo cũng chưa tốt, điều kiện học tập của học sinh, sinh viên chưa đảm bảo nên thiếu cơ hội học tập quốc tế.

Đổi mới về chương trình khung

Mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2015 cứ 10.000 dân sẽ có hai dược sĩ đại học, năm dược sĩ trung cấp và tám cao đẳng. Trên 70% trường đại học, cao đẳng và trung cấp đạt chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất và điều kiện chuyên môn.

“Đào tạo dược sĩ đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn để tư vấn về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; sinh viên có khả năng tự học đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” là những điều chỉnh về Chương trình khung đào tạo dược sĩ và định hướng lâm sàng tại Việt Nam sẽ được Trường Đại học Dược Hà Nội đưa vào giảng dạy trong năm tới.

Theo TS Thái Nguyễn Hùng Thu (Trường Đại học Dược Hà Nội), với 240 đơn vị học trình, sinh viên dược sẽ được học trong năm năm. Nhà trường sẽ đưa thêm vào khung chương trình học phần mới về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, tâm lý đạo đức y học... với tổng học phần bổ sung là 180 đơn vị học trình. Nhiều nhất là định hướng dược lâm sàng nhằm đào tạo ra dược sĩ có trình độ chuyên môn cao, sát thực tế, có nhiều khóa đào tạo bằng tiếng nước ngoài.

Riêng với Bộ Y tế, theo TS Trần Quốc Kham, sẽ bàn thêm với Bộ GD&ĐT đổi mới chương trình khung, từ phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, phương tiện dạy học đến xây dựng chính sách đào tạo và đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân lực dược cho các khu vực khó tuyển dụng. Đồng thời gắn cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp sản xuất thuốc, các bệnh viện; thực hiện thí điểm mô hình liên kết đào tạo với nhiều trường nước ngoài.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm