Bác sĩ gia đình: Nhìn từ BV quận 10

“Tôi đang nằm thì ngồi dậy, người choáng, quay cuồng như động đất. Có làm sao không bác sĩ?/ Trước khi ngồi dậy, bác vận động tay chân trước đã chứ bác đang nằm mà ngồi dậy đột ngột, máu không điều chỉnh kịp rất dễ bị té ngã. Khi ngồi dậy, bác phải chống tay…”. Đây là đoạn hội thoại mở đầu giữa bệnh nhân Nguyễn Văn Chờ (59 tuổi, quận Gò Vấp) và BS Lê Thị Quyên tại phòng khám Bác sĩ gia đình (BSGĐ), BV quận 10 vào sáng 26-3.

Yên tâm vì được theo dõi bệnh liên tục

Bệnh nhân Chờ cho biết ông bị tiểu đường, cao huyết áp từ ba năm qua, đi khám tùm lum bác sĩ, uống thuốc mỗi người một khác nhưng không đỡ và ông bị tháo khớp ngón chân cái bên trái do biến chứng. Nghe bạn bè giới thiệu, ông từ quận Gò Vấp chuyển xuống phòng khám BSGĐ của BV quận 10 hơn một năm qua. Bệnh trạng của ông do BS Quyên theo dõi. “Không phải khám ở đây mà khen. Thật sự là có bác sĩ theo dõi xuyên suốt tôi rất an tâm, có gì tôi hỏi đó, bác sĩ hướng dẫn tận tình, uống thuốc thì giảm nhiều” - ông Chờ chia sẻ.

Còn anh Ngô Trọng Hải (quận 10) cho biết cách đây mấy tháng, anh bị đau ngực, tưởng bị bệnh tim nên đi khám, hóa ra bị cao huyết áp, hen suyễn. “Tôi nghe BV quận 10 có phòng khám BSGĐ nên đến đăng ký khám, theo dõi sức khỏe tại đây. Bác sĩ tham vấn chu đáo, hỏi gì trả lời đó nên rất hài lòng. Tôi cũng được giải thích là cần một BSGĐ theo dõi liên tục, toàn diện bệnh tật thì mới khỏi nên tôi đăng ký lập hồ sơ. Tôi cũng kêu mẹ mình qua đây làm hồ sơ theo dõi bệnh luôn” - anh Hải nói.

Bác sĩ gia đình: Nhìn từ BV quận 10 ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Chờ (59 tuổi, quận Gò Vấp) đang được bác sĩ khám, tư vấn. Ảnh: TÙNG SƠN

Thấy mô hình BSGĐ đáp ứng được nguyện vọng của mình, gia đình ông Bạch Công Mỹ gồm ba người cũng đã đăng ký làm hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Khỏi chờ đợi, than vắn thở dài

Hiện phòng khám BSGĐ BV quận 10 có năm bàn khám và 22 bác sĩ phụ trách luân phiên. Phòng khám có quầy thuốc, có labo xét nghiệm, siêu âm, điện tim riêng. Hiện phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân/ngày. Thời gian khám, tư vấn trung bình là 15 phút, tùy bệnh nhân mới, cũ, nặng hay nhẹ…

“Phòng khám BSGĐ tăng chủ động cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Điều dưỡng sẽ sắp xếp giờ khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm, siêu âm trước ngày khám. Đến trước giờ bệnh nhân khám, điều dưỡng sẽ lục hồ sơ để sẵn, bệnh nhân đến sẽ khám liền. Tất cả giờ giấc khám là theo nguyện vọng của bệnh nhân” - BS Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc BV quận 10, nói.

Cũng theo BS Tùng, với bệnh nhân bị bệnh nặng thì chuyển xuống chuyên khoa của BV hoặc chuyển tuyến trên (BV 115) ngay gần đó. Khi bệnh nhân lên tuyến trên, họ sẽ có một bệnh án tóm tắt bao gồm dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm, thuốc đã dùng, tình trạng chuyển viện… Khi bệnh nhân xuất viện thì phòng Chỉ đạo tuyến BV 115 sẽ cung cấp những hồ sơ liên quan đến bệnh nhân về lại cho phòng khám BSGĐ theo dõi.

“Bệnh nhân được hưởng mọi chế độ của BHYT. Tuy nhiên, khám bệnh thì bệnh nhân phải đóng tiền dịch vụ là 28.000 đồng (BHYT chi trả 2.000 đồng). Mọi xét nghiệm, siêu âm, tiền thuốc thì đồng chi trả theo từng đối tượng” - BS Tùng giải thích.

Nguy cơ quá tải!

BV quận 10 hiện tiếp nhận 1.200-1.400 bệnh nhân/ngày, có ngày lên đến 1.700 bệnh nhân. Tuy nhiên, từ khi phòng khám BSGĐ ra đời vào tháng 10-2012, số bệnh nhân chuyển qua đây chiếm gần 20% nên có nguy cơ quá tải.

Ngoài phòng khám BSGĐ tại BV, quận 10 cũng vừa triển khai phòng khám BSGĐ tại bảy trạm y tế phường. Đã có bảy bác sĩ của bảy phường này đang học BSGĐ, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Các bác sĩ sẽ học thêm thực hành tại BV quận 10 hai tháng về nghiệp vụ và chính sách BHYT. Khi BSGĐ trạm y tế phường đi vào hoạt động, BV quận 10 sẽ vận động người dân ở phường nào về khám tại phường đó. “BSGĐ làm dù có tốt nhưng về chính sách BHYT nắm không rõ dẫn đến sai sót cũng sẽ làm bệnh nhân không tin tưởng. Do đó, có thể bệnh nhân sau khi khám ở trạm y tế sẽ lãnh thuốc tại BV quận 10” - BS Tùng cho biết thêm.

Về khó khăn, hiện tất cả hồ sơ bệnh nhân đang làm bằng tay nên chưa thống kê số lượng, mô hình bệnh tật các bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ cũng như kết nối với tuyến trên. BV chuẩn bị chạy thử phần mềm quản lý và chờ các cơ quan quản lý duyệt. Dự kiến vào tháng 7 mới có thể hoạt động.

BSGĐ không phải đến từng gia đình

Đề án BSGĐ được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phê duyệt vào ngày 22-3-2013.

Theo đề án, từ năm 2013 đến 2015, thành lập tối thiểu 80 phòng khám BSGĐ tại Hà Nội (20), TP.HCM (30), Hải Phòng (5), Tiền Giang (5)… Hoạt động của BSGĐ không phải là đến gia đình chữa bệnh mà cung ứng dịch vụ chăm sóc toàn diện, lồng ghép, liên tục và toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Duy trì mối quan hệ tin cậy và lâu dài với người bệnh. Tham vấn, vận động lối sống lành mạnh, loại bỏ hành vi nguy cơ cao đối với bệnh tật nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc tự bảo vệ sức khỏe… BSGĐ sẽ được triển khai xuống tận tuyến phường/xã, phòng mạch tư. Đây là bác sĩ đa khoa thực hành, có chuẩn nhất định và là bác sĩ giỏi để xử lý tất cả tình huống.

Chưa triển khai ở phòng khám tư nhân

Hiện tại quận 2, 10, Bình Tân đã có phòng khám BSGĐ, trong đó quận 10 làm tốt và triển khai xuống phường. Hiện nhiều quận/huyện khác cũng đang xin mở phòng khám BSGĐ.

Đối với tư nhân, muốn mở phòng khám BSGĐ thì họ phải được đào tạo bài bản về nội, ngoại, sản, nhi; được sự thẩm định, cho phép của Sở Y tế và do Sở quản lý. Hiện chưa có phòng khám tư nào được đào tạo, thẩm định. Tuy nhiên, theo lộ trình thì sẽ mở rộng để các phòng khám tư tham gia cùng ngành y tế.

PGS-TS NGUYỄN TẤN BỈNH, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm