Bánh trung thu: Công Thương quản vỏ, NN&PTNT quản nhân

Còn hai tháng nữa là đến rằm tháng Tám, các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh trung thu ở TP.HCM đã rục rịch vào mùa cao điểm. Thế nhưng không ít DN đang đứng ngồi không yên vì vấp phải Luật An toàn thực phẩm (ATTP, có hiệu lực từ ngày 1-7).

Ông chỉ qua, bà đá lại

Ông Minh (Bình Tân, TP.HCM) thấy người bạn sản xuất bánh trung thu năm nào cũng “ấm” nên năm nay làm thử. Ngày 5-7, ông đến Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Căn cứ vào Luật ATTP, nhân viên cho biết chi cục không còn thẩm quyền quản lý DN sản xuất bánh trung thu nên hướng dẫn ông qua Sở Công Thương hoặc Sở NN&PTNT. Kèm theo đó, nhân viên này giải thích thêm: “Luật phân công ngành công thương quản lý ATTP trong suốt quá trình chế biến bột và tinh bột, ngành NN&PTNT được phân công quản lý chế biến thịt, trứng, cá…”.

Cho rằng bánh trung thu được làm bằng bột nên ông Minh liên hệ Sở Công Thương nhưng nơi đây lắc đầu, bảo chưa có hướng dẫn thực hiện. “Nghĩ bánh trung thu có trứng, lạp xưởng, vi cá, hột dưa nên tôi chạy qua Sở NN&PTNT. Cũng với lý do chưa có hướng dẫn, nhân viên nơi đây không nhận hồ sơ. Chẳng nơi nào giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận VSATTP thì biết làm sao đây?” - ông Minh than.

Bánh trung thu: Công Thương quản vỏ, NN&PTNT quản nhân ảnh 1

Hiện vẫn chưa xác định cơ quan có chức năng quản lý các DN sản xuất và kinh doanh bánh trung thu. Ảnh: CTV

Trong khi đó, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP của ông Quang (Gò Vấp, TP.HCM) được Chi cục ATVSTP TP.HCM cấp năm 2010 nên vẫn còn giá trị. Năm nay, do dự tính sản xuất ba loại bánh trung thu mới nên ông Quang cũng đến chi cục xin cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Cũng căn cứ vào Luật ATTP, nhân viên chi cục hướng dẫn ông qua Sở Công Thương hoặc Sở NN&PTNT. “Nói mãi nhưng cả hai sở đều từ chối nhận hồ sơ. Cứ tưởng Luật ATTP ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn, dè đâu gây khó” - tới phiên ông Quang lắc đầu.

Sáng 12-7, trong vai DN sản xuất bánh trung thu, chúng tôi đến Phòng Thương mại Dịch vụ Sở Công Thương TP.HCM nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Nghe trình bày, các nhân viên chỉ qua Phòng Tiếp nhận và trả hồ sơ. Lại câu trả lời “chờ hướng dẫn” rồi chúng tôi được chỉ ngược về Phòng Thương mại Dịch vụ. Tiếp tục qua Sở NN&PTNT, chúng tôi lại nhận được câu trả lời tương tự. Nhân viên nơi đây còn cho biết không ít DN đến liên hệ nộp hồ sơ xin cấp các giấy chứng nhận liên quan VSATTP cũng bị từ chối.

Giải pháp: Chờ!!!

Giải thích lý do chưa thể nhận hồ sơ xin cấp các giấy chứng nhận liên quan đến VSATTP, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết mặc dù Luật ATTP đã có hiệu lực nhưng phải chờ các nghị định hướng dẫn thực hiện. “Trong khi chờ hướng dẫn, trước đây cơ quan nào cấp các giấy chứng nhận liên quan đến VSATTP (Chi cục ATVSTP - NV) thì nên tiếp tục thực hiện” - ông Trung đề nghị.

Khi được hỏi về vấn đề này, một cán bộ thuộc cơ quan đại diện Bộ Công Thương tại TP.HCM cho biết: “Để chúng tôi kiểm tra xem Bộ Công Thương đã ban hành hướng dẫn thực hiện Luật ATTP hay chưa. Chúng tôi cũng sẽ hỏi Bộ đã phân công đơn vị trực thuộc nào chịu trách nhiệm quản lý VSATTP. Khi có thông tin chúng tôi sẽ báo”.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, căn cứ vào Luật ATTP thì chi cục không còn chức năng quản lý và cấp các giấy chứng nhận liên quan đến VSATTP cho những DN sản xuất bánh trung thu và hiện cũng chưa xác định sở, ngành nào có chức năng này. “Hiện bánh trung thu sắp vào đợt sản xuất cao điểm nhưng chưa có cơ quan quản lý nào đứng ra giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận VSATTP và tiêu chuẩn sản phẩm… khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vì chưa có cơ quan chức năng nhận trách nhiệm quản lý nên công tác kiểm tra hoạt động sản xuất bánh trung thu gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng người tiêu dùng” - ông Hòa nêu quan điểm.

Một bầu sữa, hai bộ… “ôm”!

Không chỉ các DN sản xuất bánh trung thu kêu trời vì Luật ATTP mà các DN chế biến sữa cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Lãnh đạo một DN chế biến sữa ở TP.HCM cho biết hằng ngày DN của ông thu gom sữa bò tươi từ các hộ kinh doanh rồi bảo quản lạnh trước khi đưa vào chế biến, công đoạn này do ngành NN&PTNT quản lý. Sữa bò tươi sau đó được đưa vào chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau và công đoạn này lại do ngành công thương quản lý!

Lãnh đạo một DN chế biến sữa ở Bình Dương cũng cho biết càng nhiều bộ quản lý thì càng nảy sinh nhiều rối rắm. Ví dụ, khi xảy ra ngộ độc sữa, ngành NN&PTNT sẽ điều tra khâu thu gom và bảo quản sữa tươi nguyên liệu, trong khi ngành công thương điều tra quy trình sản xuất sữa. “Thử hỏi sản phẩm của một DN mà hai ngành cùng lấy mẫu rồi gửi xét nghiệm ở hai nơi khác nhau thì liệu kết quả có đồng nhất?”. Đã vậy, trước đây nếu muốn quảng cáo thì chỉ cần thông qua ngành y tế, nay muốn quảng cáo phải qua cả hai ngành. Trong đó, nội dung quảng cáo khâu thu gom sữa tươi nguyên liệu do ngành NN&PTNT duyệt, còn nội dung quảng cáo quy trình sản xuất sữa thành phẩm lại do ngành công thương thẩm định!

Không chỉ các DN sản xuất và kinh doanh bánh trung thu mà nhiều DN sản xuất và kinh doanh thực phẩm khác cũng đang gặp khó khăn bởi chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết việc cấp giấy chứng nhận VSATTP. Trước thực trạng trên, Sở Y tế có kế hoạch đề xuất UBND TP.HCM tổ chức buổi họp giữa các sở liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các DN và sức khỏe người tiêu dùng.

ÔngHUỲNH LÊ THÁI HÒA,
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm