Bệnh viện bị tố “giữ người” không bệnh

Ngày 7-3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã thành lập tổ xác minh đơn tố giác việc “giữ người trái pháp luật” xảy ra tại BV Tâm thần TP.HCM, đồng thời kiểm tra quy trình nhận bệnh nhân tâm thần tại BV này và chấn chỉnh sai sót (nếu có).

Đây không phải là lần đầu tiên BV Tâm thần bị phản ánh “giữ người” không có bệnh. Điều này cho thấy cần có quy định cụ thể để tránh nguy cơ người không bị tâm thần bị nhốt, cho uống thuốc tâm thần oan.

Con đưa mẹ vào BV tâm thần

Tiếp xúc với Pháp Luật TP.HCM, bà T. (phường 10, quận Tân Bình) cho biết đã gửi đơn lên Sở Y tế và các cơ quan chức năng tố giác BV Tâm thần TP.HCM giữ người trái pháp luật.

Theo đơn của bà T., đêm 16-8-2012, bà bị vợ chồng con gái đóng cửa, không cho vô nhà. Đến sáng, có bảy người, trong đó có công an khu vực và vợ chồng con gái khống chế đưa bà vào BV Tâm thần. Khi vào bệnh viện, bà bị đưa vào trại với hai lớp cửa, bị trói hai tay, hai chân vào bốn góc giường và tiêm thuốc dù bác sĩ không khám bệnh, không xét nghiệm, không đo huyết áp, không làm hồ sơ bệnh án…

Bệnh viện bị tố “giữ người” không bệnh ảnh 1

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị bà T. đi giám định pháp y tâm thần để có căn cứ pháp lý kết luận vụ việc trên. Ảnh: TÙNG SƠN

Suốt 12 ngày trong BV, bác sĩ buộc bà phải uống thuốc mà không giải thích. Trong khi đó, bà đã khai bị bệnh tiểu đường và viêm gan C, hai bệnh này hạn chế uống thuốc an thần nhưng BV không lưu ý.

Sau 12 ngày, trước yêu cầu của bà, BV đã gọi con gái bà vào làm thủ tục bảo lãnh, bà mới được xuất viện với chẩn đoán F43 (stress - NV).

Cứ cho nhập viện, theo dõi rồi mới tính

Trả lời câu hỏi của chúng tôi là căn cứ nào để xác định một người là bệnh nhân tâm thần và cho nhập viện, lãnh đạo BV Tâm thần TP.HCM nói: Quy trình làm việc là gia đình đưa bệnh nhân đến, khai ở nhà có hành vi kích động, nguy hại đến bản thân và người xung quanh… thì cho nhập viện theo dõi. Đa số bệnh nhân này nhập vào cấp cứu với các biểu hiện có khả năng tự tử, rối loạn hành vi, bỏ ăn.

Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, quy định người có quyền đưa người bệnh đến nhập viện thì lãnh đạo BV này cho biết ở Việt Nam chưa có quy định nào cả. Đa số do người nhà đưa đến rồi khai với bác sĩ. Ở các nước phát triển, họ quy định rõ ràng. Có ba trường hợp được nhập viện: Người bệnh tự nguyện, theo yêu cầu của người thứ hai (cha mẹ, con cái) và theo đề nghị của chính quyền địa phương (bắt buộc).

“Trong lĩnh vực tâm thần chưa có luật, chưa có hành lang pháp lý. Nếu bác sĩ quyết định đúng thì khen, còn sai thì bảo thông đồng với người nhà bệnh nhân. BV đã kiến nghị “nát nước” với Bộ Y tế là ai đưa thông tin về người bệnh thì người đó chịu trách nhiệm chứ không phải bác sĩ nhưng đến nay vẫn chưa có quy định nào” - BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần, nói.

Cũng theo BS Thắng, BV đã làm việc với Thanh tra Sở Y tế, kết luận thế nào là do cơ quan chức năng. Con đường duy nhất là cho nhập viện, còn đúng hay sai bệnh nhân vào theo dõi rồi mới tính!

Công an khu vực chỉ chứng kiến

Cuối năm 2012, sau khi xác minh vụ việc, Công an phường 10, quận Tân Bình đã có thông báo gửi cho bà T. Công văn cho rằng việc bà T. bị đưa vào BV Tâm thần chữa bệnh là đúng. Việc tố cáo CSKV tham gia tổ chức bắt bà T. đưa vào BV Tâm thần là không có cơ sở kết luận. CSKV có mặt tại hiện trường là theo yêu cầu của gia đình để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình có thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Ban Chỉ huy Công an phường đã chỉ đạo lập hồ sơ đề xuất xử phạt con gái bà T. có hành vi đóng cửa không cho bà vào nhà để chăm sóc trong khi bà là người già bệnh, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, mức phạt 1.750.000 đồng.

Phải có sự hợp tác của người bệnh

Một chuyên gia pháp y tâm thần cho rằng theo thông lệ, người nhà muốn đưa vào BV phải có sự hợp tác của người bệnh (trừ người đã có tiền sử tâm thần, đã điều trị); phải có sự xác nhận của địa phương là người này đập phá, gây rối. Đối với người bị bệnh tâm thần cấp tính phải đưa vào phòng khám hoặc cấp cứu. Sau đó chẩn đoán đúng tiêu chuẩn loạn thần thì nhập viện nội trú. Không có chuyện người nhà bắt người bệnh đưa thẳng vào khoa. Nếu không khám và đẩy thẳng vào nội trú là sai. Nếu có người ngoài tham gia bắt bệnh nhân đưa vào BV là sai.

Dù bệnh nhân có bị rối loạn tâm thần cấp tính (đe dọa tính mạng họ và người xung quanh…) nhưng “nhốt” đến 12 ngày là không hợp lý, bởi trong vòng 24 giờ đến ba ngày, người ta có thể thấy ra được vấn đề, tức bệnh nhân đã bình tĩnh. Khi bệnh nhân yêu cầu gặp người thân để về nhà thì BV phải thực hiện.

Cần có quy trình nhận bệnh

Cần phải có quy định điều kiện nhập viện với những bệnh nhân có nghi vấn bị bệnh tâm thần. Chẳng hạn, với một người điên loạn, có dao, súng quậy phá, phải có người ký quyết định cho nhập viện như VKS, UBND địa phương...

Vừa rồi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cũng có gửi công văn mời tôi tham gia thành viên soạn thảo thông tư hướng dẫn trong ngành tâm thần nhưng chưa thấy đả động gì. Chắc chắn phải có luật để bảo vệ cả bác sĩ và bệnh nhân.

BS TRỊNH TẤT THẮNG, Giám đốc BV Tâm thần

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm