Chưa phát hiện H7N9 trên gia cầm

Tẩy chay mạnh gia cầm nhập lậu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo chí phải thông tin thường xuyên, cập nhật về tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu tới sức khỏe của bản thân người tham gia, sức khỏe của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống và cả nước. Thủ tướng cũng yêu cầu báo chí nêu tác hại việc làm của họ tới cuộc sống của người nuôi gia cầm lên án, tẩy chay mạnh mẽ người nhập lậu gia cầm và vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND xã, phường trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND huyện, quận về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Nơi nào chủ tịch UBND xã, phường; công an xã, phường không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật pháp và chỉ đạo của cấp trên thì bị xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, phải bị thay thế khi không hoàn thành nhiệm vụ một thời gian dài và đã được nhắc nhở mà không khắc phục.

Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT theo dõi sát sao tình hình dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở trong nước và các nước xung quanh để có thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của các loại cúm gia cầm, cách phòng ngừa cúm gia cầm; đồng thời người dân không hoang mang, các cơ quan y tế và chính quyền các cấp không lãng phí nguồn lực vào các việc làm không cần thiết.

Chưa phát hiện H7N9 trên gia cầm ảnh 1

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 tại cơ sở chăn nuôi “Gà đồi Yên Thế” tỉnh Bắc Giang.Ảnh: TTXVN

Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế bám sát diễn biến của việc di chuyển gia cầm và người qua biên giới vào nội địa; tiếp tục hướng dẫn người nuôi chim yến và chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa và xử lý hiệu quả nhất việc chim yến bị nhiễm cúm gia cầm.

Kiểm tra điểm trung chuyển gia cầm nhập lậu

Ngày 15-4, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 tại huyện Yên Thế, Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang được đánh giá là nơi trung chuyển gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới về Hà Nội vào các tỉnh khác trong nội địa để tiêu thụ, đây là những gia cầm thải loại, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y, có nguy cơ về lây nhiễm dịch bệnh cho đàn gia cầm, lây truyền cúm gia cầm H5N1, H7N9 ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Cho đến thời điểm này, kết quả các xét nghiệm ngẫu nhiên trên đàn gia súc tại Bắc Giang chưa phát hiện có dịch cúm A/H5N1 và A/H7N9.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người dân về nguy cơ, tác hại của gia cầm nhập lậu; tố giác, lên án những đối tượng nhập lậu gia cầm; tập trung triệt phá đường dây kinh doanh gia cầm nhập lậu; chốt chặt, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm nhập lậu, cương quyết tiêu hủy số gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ;…

Đặc biệt, thời gian tới tỉnh cần quan tâm đến việc thực hiện theo mô hình VietGAP cho thương hiệu gà đồi Yên Thế. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tỉnh Bắc Giang khẩn trương phê duyệt kế hoạch thực hiện bốn tình huống phòng, chống dịch cúm A/H7N9.

Nuôi chim yến phải đảm bảo vệ sinh thú y

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết dự kiến giữa tháng 5-2013 sẽ ban hành thông tư quy định tạm thời điều kiện nuôi chim yến.

Theo đó kết cấu nhà nuôi yến phải đảm bảo chắc chắn, an toàn cho người, phù hợp cảnh quan và môi trường chung quanh. Đối với cơ sở nuôi yến đã xây dựng và hoạt động trước thời điểm thông tư này có hiệu lực mà không đảm bảo các điều kiện quy định thì phải khắc phục trong bảy ngày. Nếu không khắc phục được thì buộc ngừng nuôi. Khi chim yến có dấu hiệu bất thường, chủ nuôi phải báo cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Chất thải từ hoạt động nuôi chim yến phải được thu gom và xử lý theo quy định. Cơ sở nuôi yến phải có dụng cụ và thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn cho người lao động khi thu hoạch, chế biến, bảo quản tổ yến. Khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến phải cao ráo, sạch sẽ; cách biệt nhà nuôi yến, cách xa những nơi có nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Có đủ trang thiết bị cần thiết để sử dụng trong quá trình sơ chế và bảo quản tổ yến đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm.

Thông tư cũng quy định mỗi năm một lần cơ quan thú y lấy mẫu chim yến để kiểm soát mầm bệnh cúm gia cầm. Ngoài ra, cơ quan thú y có thể tiến hành lấy mẫu khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm. Khi chim yến mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì chính quyền địa phương phải công bố theo quy định; chim và sản phẩm của chim yến tại cơ sở nuôi có bệnh, dịch buộc phải xử lý theo hướng dẫn, có sự giám sát của cơ quan thú y.

 TRẦN NGỌC

TRÍ NHIÊN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm