Dễ thủng nhĩ, nhiễm khuẩn khi đi lấy ráy tai

Bệnh nhân cho biết, người hớt tóc làm tai anh đau nhói khi lấy ráy, không ngờ tổn thương nghiêm trọng. “Tôi cứ nghĩ màng nhĩ nằm rất sâu. Khó có thể chạm tới được”, bệnh nhân này nói.

Cùng đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trong tình trạng tai bị đau nhức và ù kéo dài, anh Khoa nhà ở Tân Bình cũng cho biết mình thường xuyên có thói quen lấy ráy tai ở tiệm.

“Hôm đó khi anh thợ hớt tóc cố lấy miếng ráy to và bám rất sâu thì tôi nghe tiếng 'rắc'. Sau đó tôi ù tai và đau dữ dội trong hai tuần, uống thuốc vẫn không khỏi. Giờ đến bệnh viện mới biết mình bị rách nhĩ”, anh này cho biết.

Dễ thủng nhĩ, nhiễm khuẩn khi đi lấy ráy tai ảnh 1

Người lấy ráy không có tay nghề và bộ đồ nghề dùng cho nhiều khách là nguyên nhân khiến tai dễ bị tổn thương. Ảnh: Thiên Chương.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, bệnh tổn thương tai do ngoáy tai như anh Hải là rất phổ biến. Trung bình mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận hàng trăm ca bị thủng màng nhĩ vì lấy ráy không đúng cách. Không ít người phải chấp nhận tình trạng giảm thính lực vì tổn thương lâu ngày mới nhập viện.

“Trung bình mỗi tháng có hàng chục bệnh nhân nhập viện. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tự ngoáy tai bằng các vật cứng như tăm, chìa khóa, hoặc viêm nhiễm nấm do lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc”, một bác sĩ cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV cho biết, cùng nguyên nhân này, tháng nào bệnh viện cũng có từ 2 đến 3 trường hợp thủng nhĩ. “Hầu hết bệnh nhân đều trong tình trạng tai bị đau nhức sau khi lấy ráy. Các tổn thương thường thấy là nhiễm trùng, nhiễm nấm ngứa, viêm tai và tổn thương màng nhĩ”, bác sĩ Đại nói.

Theo bác sĩ Đại, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị thủng nhĩ hoặc nhiễm trùng tai là do nhân viên vốn không có kiến thức về cấu trúc của tai nên dễ làm tổn thương các bộ phận trong tai vốn rất nhạy cảm. Mặc khác, các dụng cụ ráy tai dễ nhiễm bào tử nấm bẩn và vi khuẩn do dùng chung với rất nhiều người.

Lấy một mẫu bông ngoáy tai của tiệm hớt tóc mang đi xét nghiệm, các bác sĩ Viện Pasteur TP HCM phát hiện có đến hơn 1.300 vi khuẩn gây viêm da, mụn nhọt, lở loét. Ngoài ra kết quả còn dương tính với loại nấm độc có trong phổi, khoang mũi, tai, khi nhiễm rất khó chữa trị, dễ gây ápxe.

Tai nạn không chỉ xảy ra ở người lớn, tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ tổn thương tai do bố mẹ ngoáy không đúng cách, do cố lấy ráy "bẩn".

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, ráy tai được tiết ra bởi một tuyến đặc biệt, có nhiệm vụ giữ lại bụi bặm và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn để bảo vệ ống tai phía trong và màng nhĩ.

“90% trẻ em không cần phải lấy ráy tai, vì ráy tai sẽ cùng với lớp biểu bì của da bị bong tróc dần chuyển ra ngoài cửa tai để đưa vi khuẩn, bụi bặm ra ngoài làm sạch ống tai. Chính vì thế phụ huynh không cần phải cố lấy cho trẻ”, bác sĩ Khương nói.

Từ thực trạng trên, các bác sĩ khuyên người dân nên cẩn trọng trong việc ngoáy tai và lấy ráy tai. Cách tốt nhất để làm sạch tai là dùng tăm bông thấm giấm ăn ngoáy nhẹ. Riêng các vật dụng móc tai không nên dùng chung hoặc phải rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn trước khi dùng.

Theo Thiên Chương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm