Đọc được xét nghiệm, khỏi lo âu bệnh

Chính vì không hiểu được bảng kết quả xét nghiệm y khoa phản ánh tình trạng sức khỏe của bản thân ra sao nên thường diễn ra cảnh những người đi khám sức khỏe cầm bảng xét nghiệm trên tay mà hoang mang hỏi nhau: “Không biết tôi có bệnh gì không?”, “Men gan tôi ghi như vậy thì có nghĩa gì?”. Cách đọc hiểu thực ra không quá phức tạp.

Đường huyết: Ngưỡng an toàn là 70-110 mg/dl

Trong phiếu xét nghiệm đường huyết được ghi GLUCOSE, tức ghi hàm lượng hay nồng độ glucose có trong máu. Tiểu đường hay đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh không lây nhiễm, do sự thiếu insulin hoặc có insulin nhưng không nhạy cảm, đưa đến sự tăng đường huyết mạn tính. Để biết có bị hay không ĐTĐ, phải làm xét nghiệm máu đo nồng độ đường glucose trong máu. Là nồng độ nên đơn vị tính glucose trong máu là mg/dl (số mg glucose trong 100 mililít máu) hay mmol/l (số milimol glucose trong 1 lít máu).

Mỡ trong máu: Lấy 200 mg/dl làm cột mốc lành-bệnh

Trong máu có mỡ hay còn gọi lipid, bình thường lipid chứa trong máu với hàm lượng vừa phải, nếu khác hơn là bị rối loạn lipid huyết. Rối loạn lipid huyết (hay nhiều người gọi là rối loạn mỡ máu) là tình trạng khi hàm lượng chất béo như cholesterol, triglycerid ở trong máu vượt quá giới hạn bình thường.

Đọc được xét nghiệm, khỏi lo âu bệnh ảnh 1

Người bệnh cần hiểu kết quả một số xét nghiệm liên quan đến một số bệnh thường mắc để tránh hoang mang không cần thiết khi không hỏi được bác sĩ. Ảnh: HTD

Ta cần biết chất béo như cholesterol, triglycerid không tan trong nước tức không tan trong máu, vì vậy chất béo phải kết hợp với một protein (chất đạm) tạo thành chất gần như tan trong máu, di chuyển dễ dàng trong máu, gọi là lipoprotein. Như cholesterol kết hợp với lipoprotein tạo thành các chất có tỉ trọng khác nhau.

Trong phiếu xét nghiệm, mỡ trong máu được ghi bốn tiêu chí: cholesterol toàn phần (cholesterol hoặc cholesterol TP), triglycerid, LDL-c, HDL-c.

Men gan: An tâm khi đọc thấy 32 U/L

Đo men gan có thể biết được tình trạng tổn thương gan. Hai men gan thường dùng trong xét nghiệm là thuộc loại men transaminase (men chuyển vận amin giữa chất đạm và đường) có tên như sau:

SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase) còn gọi là AST (Aspartat aminotransferase).

SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) còn gọi là ALT (Alanin aminotransferase).

Acid uric trong máu: Đáng báo động khi trên 9 mg/dl

Khi acid uric trong máu (gọi là acid uric huyết) tăng ở mức không nhiều quá (7-9 mg/dl), khi đó được gọi là chứng tăng acid uric huyết không triệu chứng, không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thực hiện chế độ ăn phù hợp.

Khi acid uric huyết đo được trên 9 mg/dl, acid uric là chất ít tan sẽ kết tinh thành tinh thể muối urat đọng lại trong sụn, khớp đến mức gây đau đớn có khi là dữ dội ở các khớp gọi là cơn gút cấp, khi đó phải dùng thuốc trị gút.

PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm