Đừng để tính mạng người dân đánh cược với vaccine

Theo ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, loại vaccine mà WHO tài trợ cho Việt Nam do Công ty GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất đã gây phản ứng phụ, sốc phản vệ cho bảy người dân tại Canada. Tỉ lệ tai biến vaccine phòng cúm của công ty này là 4/100.000 liều, cao hơn tỉ lệ thông thường so với các loại vaccine khác là 0,1-1/100.000 liều. Nhưng éo le thay, vì là hàng tài trợ nên trong cam kết ràng buộc, nhà sản xuất và cơ quan tài trợ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai biến hoặc biến chứng tử vong cho người được tiêm tại Việt Nam.

Ngay cả trong tình hình khẩn cấp, dịch cúm lan ra diện rộng và tử vong hàng loạt, Việt Nam ký nhận vaccine của GSK về tiêm miễn phí cho người dân, liệu người dân có dám tiêm không vì họ sẽ không biết chắc mình có rơi vào tỉ lệ “oái oăm” 4/100.000? Hơn nữa, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là tiêm ngừa cho những phụ nữ mang thai từ ba tháng trở lên. Nếu biết có tai biến, liệu có bà bầu nào dám tiêm loại vaccine này không? Lỡ bà bầu xảy ra tai biến thật thì không những tính mạng của họ mà cả đứa con trong bụng cũng sẽ gặp rắc rối lớn. Như vậy có thể nói đây là vaccine nguy hiểm “2 trong 1” (tiêm một người, nguy hiểm cho hai người).

Bài học về tiêm vaccine ngừa chó dại vẫn còn đó, khi chúng ta lựa chọn một loại vaccine giá rẻ, tỉ lệ tai biến cao để tiêm thì người dân sẽ phải gánh chịu thiệt thòi. Dù công ty sản xuất có “hỗ trợ” tiền trăm triệu thì cuộc sống bình thường của người dân đã không còn. Rõ ràng là nước chúng ta phát triển chưa mạnh nhưng chẳng có người dân nào muốn đánh đổi sức khỏe, tính mạng của mình với vaccine kém an toàn.

WHO nói Việt Nam có thể tiếp nhận vaccine từ ngày 9-12 nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với... tai biến. Rất may là Bộ Y tế vẫn chưa ký nhận loại vaccine của GSK và người dân chưa bị mang ra thử nghiệm. Bộ Y tế vẫn còn nhiều phương án lựa chọn vì không chỉ có mình GSK biết sản xuất vaccine cúm A/H1N1.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm