Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên: Bác sĩ sẽ "đi nghĩa vụ"

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), tại BV tuyến trên, công suất giường bệnh lên tới 110 - 120%, một số khoa phòng công suất sử dụng giường bệnh lên tới 200 - trên 300%.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra rất sốt ruột trước tình trạng quá tải ở tuyến trên. Bà Tiến khẳng định: “Ngay trong năm nay các giải pháp sẽ thực hiện đồng bộ, dồn nhân lực và nguồn lực cho giảm tải, trong đó dành 36.498 tỉ đồng cho việc tăng giường bệnh của một số BV chuyên khoa tuyến cuối tại Hà Nội, TP.HCM".

Đặc biệt lần đầu tiên ngành y tế sẽ áp dụng “Người đang công tác trong bệnh viện công sẽ luân phiên về công tác tại y tế cơ sở”.

Theo bà Kim Tiến, mỗi cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) sẽ thực hiện tối thiểu 6 tháng luân phiên về làm việc tại y tế tuyến cơ sở. Trong thời gian luân phiên được hưởng đầy đủ các chế độ và các phụ cấp ưu đãi như được trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương... Thực hiện tốt khi đi “nghĩa vụ” sẽ được thưởng, tăng lương trước thời hạn. Một số trường hợp đặc biệt như nam, nữ độc thân nuôi con dưới 36 tháng được miễn.

Siết chặt chuyển tuyến

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, sẽ siết chặt việc chuyển tuyến điều trị để hạn chế quá tải tuyến trên. Song song với việc này sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh.

Bà Tiến yêu cầu: “Phải chuyển giao gói kỹ thuật với hình thức ký hợp đồng cam kết, ra sản phẩm chứ không phải đi lại với nhau chuyển giao chung chung. Các BV được chuyển giao sẽ không được chuyển tuyến với các ca bệnh với các kỹ thuật đó”.

Theo Viện chiến lược và Chính sách Y tế, khoảng 60% bệnh nhân nhập viện BV Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) không có giấy giới thiệu của tuyến dưới. Tỷ lệ này lên đến 90% tại BV Phụ sản T.Ư và BV Nhi T.Ư. Bộ Y tế cho rằng nên thay đổi quy định, được chi trả 30% khi vượt tuyến để hạn chế bệnh nhân tự ý lên T.Ư chữa bệnh.

"Tuy nhiên “siết chặt” chuyển tuyến sẽ khiến bệnh nhân khó khăn vì quy định chỉ chuyển tuyến vì lý do vượt quá khả năng chuyên môn, vì lý do cấp cứu hiện vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, năng lực chuyên môn giữa các tuyến rất chênh lệch khiến có ca nặng vẫn bị giữ lại đến khi nguy cấp mới được chuyển đi làm tăng nguy cơ tử vong. Ngoài ra, việc phân tuyến kỹ thuật khiến bệnh nhân có thể  bị “đùn đẩy” giữa các tuyến BV", một giám đốc BV T.Ư chia sẻ.

Theo Liên Châu (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm