Giữ bàn tay bị dập nát cho một công nhân

Theo lời kể của anh Huệ, anh là công nhân điện, bảo trì máy tại một công ty đóng giày trên địa bàn quận Bình Tân, đã có kinh nghiệm tám năm. 14 giờ ngày 28-11, chiếc máy dập đế giày bị dính keo nên anh cẩn thận tắt công tắc tự động để lấy tay gỡ keo ra. Bất ngờ chiếc máy hoạt động, bộ phận dập từ dưới chạy lên dập nát bàn tay phải của anh với lực dập 100 kg… Anh được sơ cứu tại công ty rồi chuyển lên BV Chấn thương Chỉnh hình.

BS Phan Dư Lê Thắng, khoa Vi phẫu tạo hình, BV Chấn thương Chỉnh hình, cho biết tình trạng bệnh nhân Huệ lúc vào bệnh viện với bàn tay phải nát mặt trên, chỉ còn phần da ở mu bàn tay. Ban đầu, các bác sĩ tư vấn cho gia đình là cắt bỏ bàn tay và người nhà đã đồng ý. Nhưng sau đó các bác sĩ nghĩ phải cố gắng giữ lại bàn tay cho anh Huệ.

“Chúng tôi đã đánh giá tổ chức mô, những mạch máu nuôi. Kết quả cho thấy mạch máu, thần kinh vẫn còn nhưng bị tắc do mô bị dập ép gây tắc nghẽn. Chúng tôi gỡ những mô dập đè mạch máu, thần kinh. Phần mô hư, hoại tử do không được máu tưới thì cắt bỏ vì đây là ổ vi trùng. Sau đó chúng tôi rửa lại cho máu tưới bàn tay. Máu tưới đến đâu thì khâu mô lại đến đó. Kết hợp khâu mô là đóng 7-8 cây đinh để kết nối xương dập lại với nhau. Tiếp đến là nối các gân đứt. Cuối cùng là kéo mô sống lại để che những thần kinh mạch máu, nếu để lộ thần kinh mạch máu sẽ chết” - BS Thắng kể. Tuy nhiên, việc đóng đinh vào bàn tay cũng không hề đơn giản vì phải đóng như thế nào để sau này bàn tay có thể co duỗi.

Theo BS Thắng, sau khi may vá xong, bàn tay bệnh nhân vẫn đảm bảo chức năng thẩm mỹ. Bệnh nhân có thể cầm nắm, chạy xe được nhưng làm những việc khéo léo và kéo nặng không được vì các mô li ti đã bị dập.

Đến trưa 29-11, sau gần 12 giờ phẫu thuật, các ngón tay của bệnh nhân Huệ đã cử động được, hồng hào. Người nhà bệnh nhân rất vui mừng và đã không ngớt lời cảm ơn bác sĩ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Phan Dư Lê Thắng, khoa Vi phẫu tạo hình, BV Chấn thương Chỉnh hình, tâm sự: “Làm vi phẫu phải có kinh nghiệm, tỉ mỉ và không ngại khó. Đặc biệt là phải có tình thương. Điều mà bệnh nhân thiệt thòi nhất là bác sĩ vội vàng cắt bàn tay, bàn chân vì khi nhìn đã thấy sợ bị hoại tử, nhiễm trùng. Nếu còn bàn tay thì người chủ lao động có thể nhận họ trở lại, còn mất tay dù muốn cũng khó mà giữ lại. Có trường hợp hơn 70 tuổi năn nỉ chúng tôi giữ chân bị dập nát, dù họ không đi đâu nhưng họ rất cần để không phải mặc cảm”.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm