Giúp trẻ tránh lo âu

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần - tâm lý Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết tỉ lệ rối loạn lo âu trên thế giới là 1%-2% dân số chung, trong đó có 6,3% ở tuổi vị thành niên, số người thăm khám sức khỏe tâm thần là 27%-32%. Đi kèm rối loạn lo âu là trầm cảm, ADHD (tăng động, giảm chú ý), rối loạn học tập.

Giúp trẻ tránh lo âu ảnh 1

Phụ huynh cần giúp trẻ giải tỏa những lo âu thái quá. Ảnh: INTERNET

Biểu hiện của rối loạn lo âu, tránh né xã hội

Rối loạn lo âu là một nhóm triệu chứng liên quan đến nhiều trạng thái khác nhau. Vì vậy, biểu hiện lâm sàng có thể rất khác nhau như là biểu hiện của cảm xúc (lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ hãi...), kèm theo đó là biểu hiện về triệu chứng cơ thể (cơn nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày hoặc cảm giác hoa mắt, chóng mặt...). Chính điều này làm cho người bệnh bị chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác.

Trẻ em thường có các biểu hiện sau:

- Tránh né các tình huống xã hội.

- Dễ bối rối, khó chịu, sợ bị làm bẽ mặt bởi suy nghĩ hoặc hành động của mình.

- Các triệu chứng cơ thể: Tăng nhịp tim, run tay chân, vã mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy, đỏ mặt, tâm trí bị “trống trơn”, hoảng loạn, lúc này trẻ cảm thấy như bị ngất, mất khả năng kiểm soát ruột - dạ dày.

- Có khuynh hướng không quyết đoán, dễ nhạy cảm quá mức đối với các phê bình chỉ trích.

- Trong giai đoạn tuổi thiếu nhi, tình trạng tránh né xã hội xuất hiện dưới dạng e thẹn quá mức. Trẻ có thể phản ứng bằng cách khó chịu cực kỳ với sự hiện diện của người lạ. Trẻ khóc, bám vào cha mẹ, nổi cơn giận dữ, có biểu hiện ức chế đến mức câm nín. Trẻ thường từ chối tham gia chơi nhóm, đứng bên ngoài hoạt động xã hội, ưa thích có sự đi kèm của người lớn vào trong nhóm bạn.

- Ở tuổi thiếu niên, trường học là tâm điểm của nỗi sợ do có nhiều tương tác xã hội và thực hành đòi hỏi trẻ phải làm. Các hoạt động vui vẻ đối với trẻ như tiệc, sinh nhật, giờ ra chơi... lại là nguyên nhân gây khó chịu cho trẻ.

Rối loạn lo âu, tránh né xã hội để lại nhiều hậu quả. Trẻ thiếu các kỹ năng thực hành xã hội, thiếu sự tự tin về xã hội. Trẻ tăng cái nhìn tiêu cực về bản thân và góp phần vào sự tránh né xã hội. Trẻ bị từ chối trong quan hệ bạn bè...

Cách thức can thiệp

Trong một buổi nói chuyện chuyên đề, nhiều phụ huynh nêu hoàn cảnh con em mình và được các chuyên gia tâm lý chia sẻ một phần.

. Con trai tôi năm nay học lớp 6, đã ra dáng con trai. Trong một lần cha mẹ vắng nhà, anh chị em xem phim kinh dị. Sau đó con trai tôi rất sợ bóng tối, sợ ở nhà một mình, đi vệ sinh phải có cha mẹ dẫn đi mới chịu. Giờ tôi phải làm sao?

+ Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hoàng Oanh, Nhà Thiếu nhi TP.HCM, đưa ra giải pháp: Trường hợp này nên đưa bé đi thăm khám sức khỏe tâm thần. Phụ huynh cần cho bé bày tỏ chi tiết tình huống khiến bé sợ hãi, từ đó có cách giải tỏa cho bé.

Phụ huynh có thể đưa ra tình huống, hỏi con cách giải quyết tình huống rồi cùng con tháo gỡ khó khăn của tình huống. Nếu bé sợ bóng tối, phụ huynh có thể để đèn ngủ trong phòng khi bé ngủ hoặc nhắc nhở bé mở đèn khi cần.

Nên xây dựng thói quen cho bé tự thực hiện một số công việc trong nhà phù hợp với bé và một số kỹ năng tự phục vụ. Chẳng hạn nếu bé sợ đi vệ sinh một mình thì ta không nên đáp ứng hoàn toàn. Đầu tiên, phụ huynh có thể đưa bé đến cửa phòng vệ sinh, để bé tự làm vệ sinh, sau đó tăng khoảng cách xa dần. Điều cần thiết là phụ huynh phải kiên trì làm đi làm lại nhiều lần những việc trên thì mới có hiệu quả.

. Con tôi ở tuổi mầm non, tính tình nhút nhát, thích chơi với bạn mà không biết cách kết bạn, không hòa nhập được vào đám đông. Tôi phải làm gì?

+ Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang: Bé có một phần rối loạn lo âu và nhân cách thụ động, ưu tư. Để rèn luyện cần tạo những buổi đi chơi, mời bạn bè về nhà cùng chơi với bé. Phụ huynh tổ chức trò chơi rồi quan sát, nếu thấy bé cáu gắt thì cần hướng dẫn bé cách xử lý từng trường hợp cụ thể, tập thay thế dần hành vi nhiều lần.

Theo bác sĩ Giang, trị liệu hành vi nhận thức là phương pháp có hiệu quả nhất trong các pháp trị liệu cá nhân. Trẻ cần được giúp đỡ bởi các nhà chuyên môn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cha mẹ cần hiểu trẻ, khuyến khích, động viên trẻ tham gia các hoạt động xã hội, gia tăng hành vi quyết đoán, khen ngợi những điểm tích cực ở trẻ. Tránh chỉ trích, so sánh, đe dọa, không khuyến khích trẻ rút lui trong những hoạt động xã hội hằng ngày. Cha mẹ nên bày tỏ sự tôn trọng, yêu thương trẻ, ngay khi trẻ bị thất bại trong các tình huống xã hội, cần khuyến khích, động viên và thể hiện sự tin tưởng thành công của trẻ ở những cơ hội khác...

Để giúp phụ huynh nhận biết đặc điểm và biểu hiện của những vấn đề tâm lý trẻ em, hiểu rõ các biện pháp can thiệp và những việc cha mẹ có thể làm, Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức tư vấn hỗ trợ miễn phí tại Phòng Tư vấn tâm lý giáo dục trẻ em (2 Tú Xương, quận 3, TP.HCM), từ thứ Ba đến Chủ nhật (buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30).

Đường dây nóng: (08) 39325009.

Email: tuvantamly@nhathieunhitphcm.com.vn.

THÀNH TRÍ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm