Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến trên

Vì sao BV tuyến trên nói chung và BV Chợ Rẫy luôn quá tải? TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, nói tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và BV Chợ Rẫy về vấn đề quá tải BV ngày 19-10: “Bệnh nhân ở phía Nam mà được bác sĩ BV Chợ Rẫy sờ vào một cái là yên tâm ra về rồi!” Đây chỉ là câu nói vui của vị cục trưởng nhưng trên thực tế đó là tâm lý thật của người bệnh. Cho nên không lạ gì mới 3-4 giờ sáng, người bệnh ở các tỉnh lân cận xếp hàng rồng rắn tại BV Chợ Rẫy để chờ được khám bệnh.

2/3 là kỹ thuật của tuyến dưới

TS Lương Ngọc Khuê cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên quá tải do tuyến trên tiếp nhận rất nhiều kỹ thuật của tuyến dưới làm được, như Chợ Rẫy là 2/3. “Bộ trưởng đã chỉ đạo tuyến nào làm việc của tuyến đó, trừ cấp cứu. Các nước người ta khám, chữa bệnh theo khu vực, còn ta thì khám chữa bệnh theo tuyến hành chính”.

Nguyên nhân thứ hai theo TS Khuê là mô hình chuyển tuyến. “Chúng ta đã cho vượt tuyến mà vẫn đảm bảo quyền lợi BHYT, bệnh nhân được hưởng 30%. Cần quy định bệnh nhân vượt tuyến thì chỉ được hưởng đúng bằng giá mua BHYT, phần còn lại bệnh nhân tự trả” - TS Khuê nói.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho rằng có nhiều ý kiến đề nghị nâng giá viện phí tuyến trên để giảm bệnh nhân vượt tuyến. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng có những kỹ thuật tuyến huyện, tỉnh làm được thì không lý do gì tuyến trên lại thu giá cao hơn. “Để đảm bảo được chất lượng dịch vụ của các tuyến, quan điểm của Bộ Y tế là bảo đảm tổng chi phí triển khai các dịch vụ ở các tuyến như nhau. Tuy nhiên, do tuyến dưới điều trị nhẹ hơn nên chi phí thấp và cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều để thu của người bệnh thấp hơn, tạo điều kiện thu hút người bệnh khám ở tuyến dưới góp phần giảm tải” - ông Liên nói.

Khắc phục tình trạng quá tải ở tuyến trên ảnh 1

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: DUY TÍNH

“Cần điều chỉnh lại chính sách bệnh nhân có BHYT vượt tuyến được hưởng 30% để bệnh nhân đỡ vượt tuyến. Như các nước nếu không có giấy chuyển viện hoặc không có yêu cầu của bác sĩ gia đình thì hoàn toàn họ bị trả về tuyến trước” - một lãnh đạo khác của BV Chợ Rẫy đề nghị thêm.

Xây dựng đề án bác sĩ gia đình

TS Khuê cho biết vừa rồi Bộ Y tế cũng đã đi thăm mô hình bác sĩ gia đình ở một số nước như Anh, Pháp. Họ cho rằng ở những đô thị phát triển thì bác sĩ gia đình sẽ giúp giảm tải. Bộ Y tế và Cục Khám bệnh, chữa bệnh sẽ là đầu mối xây dựng mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực trình độ đô thị phát triển.

Về mô hình bác sĩ gia đình, theo TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, thật ra mong muốn của BV là tăng cường khám, chữa bệnh không nội trú. Bác sĩ gia đình là chủ trương rất lớn của ngành, một mình BV không thể làm được. “Kiến nghị Bộ Y tế cần có chính sách phát triển hệ thống bác sĩ gia đình, đặc biệt là tăng cường nhân lực y tế cơ sở để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tốt” - BS Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng vấn đề giảm tải, Bộ Y tế đã tập trung quyết liệt từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cần triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, trước mắt cố gắng để bệnh nhân bớt nằm ghép. Đối với hệ thống BV, phải mở rộng các loại hình điều trị ngoại trú. Mô hình điều trị trong ngày, bác sĩ gia đình… để bệnh nhân đỡ vào viện.

Đề án 1816: Cho bác sĩ tuyến dưới lên tuyến trên học trước

Ngày 19-10, BV Chợ Rẫy và Sở Y tế TP.HCM cùng tổng kết hai năm rưỡi thực hiện Đề án 1816 về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Theo đó, đề án đã giảm được chuyển viện lên tuyến trên 20% rất tốt, nhiều kỹ thuật được chuyển giao. Tuy nhiên, khi tuyến trên xuống tuyến dưới thì còn gặp nhiều khó khăn do tuyến dưới thiếu nhân sự, thiếu trang thiết bị, thiếu sự nhiệt tình… Đó là chưa kể khó khăn cho tuyến trên khi cử bác sĩ đi thì thiếu người, chi kinh phí công tác. Lãnh đạo các BV tuyến trên đề nghị Bộ Y tế xem xét lại vấn đề như thay vì cử cán bộ xuống tuyến dưới thì yêu cầu tuyến dưới lên tuyến trên học ba tháng, sau đó tuyến trên xuống cầm tay chỉ việc thì sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, theo đề nghị của lãnh đạo BV Chợ Rẫy, tuyến trên cần xem bệnh gì tuyến dưới chuyển viện nhiều nhất thì xuống chuyển giao kỹ thuật đó.

Năm sau quá tải hơn năm trước

Năm 2006, BV có hơn 780.000 lượt bệnh nhân đến khám, đến năm 2010 là 988.000 lượt, tăng 26%, trong đó, bệnh nhân khám BHYT tăng từ 23% lên hơn 44%. Số bệnh nhân vượt tuyến có BHYT chiếm 16%. Năm 2010, tỉ lệ bệnh nhân ngoài tỉnh chiếm 74%.

Trong khi đó, bệnh nhân nội trú mỗi năm đều tăng từ 3% đến 4%, mặc dù BV thực kê hơn 1.600 giường nhưng lúc nào cũng nhận 2.500 bệnh nhân/ngày.

TS-BS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Giám đốc BV Chợ Rẫy

Giảm quá tải bằng 1816, chỉ đạo tuyến; giảm quá tải cho bệnh nhân điều trị nội trú nhưng hiện nay các đơn vị đang thực hiện Nghị định 43 (tự chủ một phần) nên BV muốn thu hút bệnh nhân nên rất khó giảm.

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ XUYÊN

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm