Không chi trả cho bệnh nhẹ vượt tuyến

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, quá tải bệnh viện ở tuyến cuối, đặc biệt tuyến trung ương là vấn đề vô cùng bức xúc của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Điều tra của Bộ Y tế, có đến 60% bệnh nhân điều trị tuyến trên là không cần thiết. “Chính vì niềm tin của bệnh nhân vào y tế tuyến trên mà người bệnh sẵn sàng chuyển lên tuyến trên để hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn, trong khi đó bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị được” - bộ trưởng lý giải.

Hiện tại, BHYT vẫn chi trả 30% với những trường hợp vượt tuyến. Bà Tiến đề xuất BHYT không thanh toán với những trường hợp điều trị khám trái tuyến, vượt tuyến mà tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị được, trừ trường hợp cấp cứu. Với những trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị, sau khi bệnh thuyên giảm, phải về bệnh viện tuyến dưới điều trị. Nếu tiếp tục nằm ở tuyến trên thì BHYT cũng không chi trả.

Không chi trả cho bệnh nhẹ vượt tuyến ảnh 1

BV tuyến trên quá tải một phần do tâm lý người bệnh dù nhẹ vẫn muốn đến BV lớn. Ảnh: HTD

Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để giảm tải bệnh viện tuyến trên. Theo đó, Bộ đang thực hiện các đề án như bác sĩ gia đình, luân phiên cán bộ y tế xuống tuyến dưới, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo, xây dựng bệnh viện vệ tinh. Đây là những giải pháp căn cơ để giảm tải bệnh viện tuyến trên.

“Chẳng hạn, khi BV K chuyển giao máy móc và kỹ thuật cho BV Đa khoa Phú Thọ về điều trị ung thư thì BV Bạch Mai không được nhận những bệnh nhân ở Phú Thọ khám vượt tuyến, trừ cấp cứu” - bộ trưởng nói.

Về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng qua giám sát ở các bệnh viện cho thấy quy trình và thủ tục khám, chữa bệnh quá rườm rà, người bệnh có thẻ bảo hiểm đi khám phải phôtô rất nhiều giấy tờ để nộp ở nhiều nơi, gây khó khăn cho người bệnh. “Thủ tục phiền hà cũng là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với BHYT, dẫn tới tỉ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp” - đại biểu Phúc phát biểu.

Bà Tiến thừa nhận thực tế có nhiều trường hợp người bệnh phải từ 5 giờ đến 15 giờ mới lấy được thuốc. Bộ trưởng cam kết sẽ nỗ lực giảm thủ tục, giấy tờ, cải tạo lại khoa khám bệnh. “Quy trình khám, chữa bệnh sẽ giảm thời gian người bệnh phải chờ đợi, giảm chữ ký của bảo hiểm từ sáu xuống còn bốn, thậm chí ít hơn. Những bệnh nhân trên 75 tuổi sẽ có cửa khám, chữa bệnh riêng” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Hà Nội và TP.HCM chưa tăng giá dịch vụ y tế

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban quý I-2013 giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vào sáng 17-4.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, cho biết đến nay đã có 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố được HĐND cấp tỉnh phê duyệt khung giá viện phí mới.

Dự kiến Hà Nội sẽ trình khung giá mới trong kỳ họp HĐND lần thứ 1 năm 2013 với mức đề xuất dưới 75% giá tối đa. Còn TP.HCM hiện vẫn chưa thống nhất được phương án giá để trình UBND và HĐND.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm