Lạm dụng sinh mổ ở VN

Trong khi đó, tại hội thảo quốc tế về phòng chống thai lưu và tử vong chu sinh (sau sinh), ông Wame Baravilala - cố vấn chương trình sức khỏe sinh sản Chương trình Dân số Liên Hiệp Quốc tại VN - cho hay ở các nước có chính sách kiểm soát, tỉ lệ sinh mổ chỉ chiếm 3%. Nhưng nếu không kiểm soát, tỉ lệ sinh mổ có thể lên 45-50%, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp đến sức khỏe bà mẹ và bé sơ sinh.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư: tỉ lệ sinh mổ lên đến 40-50%

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (Hà Nội) - khuyến cáo chỉ nên sinh mổ khi người mẹ không có khả năng sinh thường, sinh khó hoặc các chị em có khung chậu hẹp, con quá to hoặc nhau tiền đạo, chảy máu nhiều đe dọa thai nhi... Song qua những con số thống kê tại hội thảo, ở VN tỉ lệ sinh mổ rất cao.

Ngoài các trường hợp khó sinh phải chỉ định mổ, còn nở rộ chuyện mổ để chọn giờ sinh đẹp, chọn giờ sinh theo yêu cầu của thầy tướng số. Tại các bệnh viện huyện có thực hiện được sinh mổ, tỉ lệ này có khi đến 15-20%. Một số bệnh viện tuyến trên như Phụ sản Hà Nội, Phụ sản T.Ư, tỉ lệ ca sinh mổ lên đến 40-50%. Ở VN, do chưa có chính sách kiềm chế sinh mổ nên chưa có thống kê chung toàn quốc về tỉ lệ này, mà vẫn để tự do kiểu trăm hoa đua nở.

Bà Đinh Thị Phương Hòa, nguyên phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cho biết dù đa số ca sinh mổ là có chỉ định của bác sĩ, nhưng một tỉ lệ khá lớn ca mổ vì lý do chọn giờ. Bà Hòa cũng nói thêm một điều tra gần đây cho thấy tỉ lệ các bé sinh mổ được bú sữa mẹ trong 24 giờ đầu sau sinh là 0%, không tận dụng được nguồn sữa non quý giá từ mẹ. Các bé sinh mổ cũng không có được nhịp thở tự nhiên như bé sinh thường. Do không được bú mẹ sớm, bé được cho ăn thêm sữa ngoài và dễ hình thành thói quen không bú mẹ hoàn toàn đủ sáu tháng như khuyến cáo...

1/4 ca tử vong sơ sinh có thể dự phòng

Theo bà Khu Thị Khánh Dung - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, hồi sức trên 5.000 bệnh nhi đến điều trị tại khoa sơ sinh bệnh viện này trong một năm vừa qua, kết quả cho thấy bốn nguyên nhân dẫn đến tử vong sơ sinh nhiều nhất ở VN là nhiễm trùng, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và bệnh lý thần kinh. So sánh với thế giới, bà Dung cho rằng tình hình bệnh tật ở VN có khác, bởi các căn nguyên gây tử vong nhiều trên thế giới là nhiễm trùng, viêm phổi và dị tật bẩm sinh.

Tuy nhiên qua xem xét trên 700 trường hợp sơ sinh tử vong trong năm qua, bà Dung khẳng định có đến 24,8% số trường hợp tử vong có thể dự phòng được, 48,9% có thể chăm sóc tốt hơn tránh được tử vong. Trong đó, với bệnh tim mạch bẩm sinh, có thể sàng lọc bằng biện pháp đơn giản đã phát hiện 60% trường hợp mắc để chuyển tuyến điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ từ sớm.

Một khó khăn trong giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và thai lưu ở các nước đang phát triển là tuổi kết hôn rất sớm, các bạn gái tốt nghiệp bậc học phổ thông đã lập gia đình, không có kiến thức nên không biết ngăn ngừa chuyện có thai ngoài ý muốn, khi đã có thai thì không biết cách chăm sóc thai nhi để sinh con mạnh khỏe. “Muốn giảm tỉ lệ tử vong mẹ và tỉ lệ tử vong sơ sinh thì cần tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh và chăm sóc cấp cứu sơ sinh” - bà Vicky Flenady, chủ tọa hội thảo, nhận xét. Nhưng tại VN, tới 24% các bé sơ sinh được gia đình tự đưa đến bệnh viện cấp cứu mà không kiểm soát được mức độ an toàn, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao... cho thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến cấp cứu sơ sinh.

VN: tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh còn rất cao

Hội thảo do Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình phối hợp International Stillbirth và Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 17 đến 19-10. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết dù tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở VN đã giảm nhưng còn ở mức cao. Hơn mười năm trước có đến 233 sản phụ tử vong/100.000 ca sinh sống, thì hiện VN đang đặt mục tiêu giảm còn 58/100.000 vào năm 2015. Thống kê cũng cho thấy có đến 59% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là tử vong sơ sinh, ở nhóm dưới 1 tuổi thì 3/4 là trẻ sơ sinh. Như vậy, nguy cơ trẻ tử vong ngay trong tuần đầu vẫn còn rất cao.


Theo LAN ANH (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm