Làm không tốt, nhân viên y tế sẽ bị chuyển công tác

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý: “Phải làm sao để không có người đưa phong bì và không có người nhận phong bì!”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thi đua, khen thưởng… đều có quy định về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức nói chung. Tuy nhiên, vừa qua xảy ra nhiều sự cố về tai biến sản khoa và dư luận cũng phàn nàn nhiều về thái độ giao tiếp của nhân viên y tế. Do đó, Bộ Y tế thấy cần thiết phải ban hành một thông tư về quy tắc ứng xử mà thực chất là đạo đức nghề nghiệp.

Thông tư sẽ được xây dựng trên nền tảng các luật và quyết định. Nếu xác định Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 29/2008 của Bộ Y tế (về Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế) thì phải bổ sung Quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh. Nếu thông tư thay thế Quyết định 4031/2011 của Bộ Y tế thì phải bổ sung chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo bộ trưởng Bộ Y tế, việc sắp ban hành thông tư sẽ không làm thay đổi 12 điều y đức. Phải làm sao để không có người đưa phong bì và không có người nhận phong bì!

Làm không tốt, nhân viên y tế sẽ bị chuyển công tác ảnh 1

Bệnh nhân và thân nhân rất an tâm khi được bác sĩ chữa trị tận tình, chu đáo. Trong ảnh: Bác sĩ khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 2 đang chăm sóc cho bệnh nhi. Ảnh: TÙNG SƠN

“Ngoài y, bác sĩ thì kể cả gác cổng, bảo vệ phải cũng phải có đồng phục, bảng tên, bãi giữ xe ngăn nắp, có rào chắn. Nhìn vào một bệnh viện là biết ngay trình độ quản lý của giám đốc bệnh viện” - bộ trưởng nói.

Cũng theo bộ trưởng, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật thì người vi phạm về quy tắc ứng xử còn có thể bị xử lý theo quy định nội bộ của đơn vị. Thí dụ, cắt lương, thưởng, trừ thi đua, cắt chế độ lễ tết, chuyển từ khoa khám bệnh về khoa phục hồi chức năng, phòng chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng tiết chế... Bộ trưởng cho rằng cần quy định vi phạm bao nhiêu lần sẽ không được chiến sĩ thi đua, bao nhiêu lần không được thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, bằng khen bộ trưởng…

Nhiều ý kiến cho rằng y tế tư nhân cũng thuộc hệ thống y tế chung nên cần đưa lĩnh vực này vào thông tư để địa phương dễ quản lý khi có sự cố xảy ra. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng hai thông tư của Bộ Y tế là Thông tư 41/2011 (về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh có quy định hành nghề y tư nhân) và Thông tư 35/2013 (quy định về thu hồi chứng chỉ, giấy phép hoạt động y tư nhân) đã chi phối hành nghề y tư nhân. Hơn nữa, hệ thống y tế ngoài công lập không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức nên giám đốc cơ sở y tế tư nhân được tự quyết định các việc liên quan đến sự cố.

Đường dây nóng: Bệnh viện lớn băn khoăn, bệnh viện nhỏ đồng tình

GS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, cho biết: Giám đốc bệnh viện khổ lắm, bệnh nhân gọi vào số điện thoại giám đốc suốt đêm, mặc dù bệnh viện có đường dây nóng. Trong các phản ánh thì có cái đúng, cái không. “Đường dây nóng của bệnh viện nối kết với số điện thoại giám đốc, khi đường dây nóng không trả lời thì chuyển đến cho giám đốc. Như vậy sẽ kiểm soát được đường dây nóng và giảm áp lực cho giám đốc bệnh viện. Có nhiều người không phản ánh về quy tắc ứng xử mà hỏi đủ thứ, nếu trả lời không được thì họ bảo giám đốc dở” - GS Phú thông tin.

Một giám đốc bệnh viện cấp quận ra khỏi phòng hội nghị lắc đầu, than thở: “Từ sáng đến giờ tôi đã nhận hơn 30 cuộc gọi đường dây nóng. Chắc tôi phải đổi số thôi”. Còn giám đốc một bệnh viện khác nói có lẽ sẽ giao số cho một nhân viên nào đó, nếu nhận đường dây nóng thì tự xưng là giám đốc, xử lý luôn để ông tập trung lo công việc quản lý.

Tuy nhiên, các giám đốc bệnh viện ở các địa phương nhỏ thì họ đồng tình với việc đường dây nóng là số giám đốc các bệnh viện, bởi đường dây nóng bệnh viện giao cho người khác phụ trách thì sẽ không hiệu quả. Theo họ, nếu thông tin đến với giám đốc thì sẽ được xử lý nhanh hơn, có trách nhiệm hơn, đồng thời sẽ kiểm soát tốt và ban hành quy trình chấn chỉnh trong bệnh viện.

ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho rằng nếu đường dây nóng là số điện thoại của giám đốc bệnh viện thì ban đầu các giám đốc sẽ nhận được nhiều cuộc gọi. Tuy nhiên, nếu đường dây nóng của bệnh viện hoạt động tốt thì lượng cuộc gọi đến giám đốc sẽ giảm. Nếu giám đốc nhận được nhiều cuộc gọi thì chứng tỏ đường dây nóng bệnh viện không có hiệu quả. Do vậy, các bệnh viện cần ghi chú: Nếu đường dây nóng không giải quyết được thì gọi điện thoại cho giám đốc bệnh viện!

______________________________________________

Những công việc công chức, viên chức y tế phải làm: lịch sự, hòa nhã, văn minh khi giao tiếp với người bệnh hoặc thân nhân… Những công việc công chức, viên chức y tế không được làm: cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, thân nhân…

(Trích Dự thảo thông tư quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập)

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm