Lao kháng thuốc, mối lo cho cộng đồng

Bệnh lao, cụm từ nghe có vẻ “xưa như trái đất”, bởi về mặt dịch tễ học, các nhà khoa học đã ghi nhận từ hàng ngàn năm trước khi vi khuẩn lao đã có mặt trong một số xác ướp Ai Cập.

Từ năm 1993, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lấy ngày 24-3 hằng năm làm ngày Thế giới phòng, chống lao để kêu gọi và nhắc nhớ cộng đồng trên thế giới không được “quên” căn bệnh rất dễ lây lan này. Chỉ riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 180.000 bệnh nhân mắc mới và 29.000 bệnh nhân chết vì lao.

Bệnh lao là do vi khuẩn lao (còn gọi là vi trùng Koch vì do nhà bác học Robert Koch tìm ra hồi đầu thế kỷ trước gồm nhiều chủng khác nhau), lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Hơn 90% là do chủng lao M.tuberculosis gây lao phổi (lao nguyên phát). Sau đó vi khuẩn theo máu có thể đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể (lao thứ phát) gây ra lao màng não, lao tủy sống, lao đốt sống, lao hạch…

Lao kháng thuốc, mối lo cho cộng đồng ảnh 1

Việc điều trị lao không đúng liều lượng sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, làm giảm sức khỏe lao động. Ảnh minh họa: NM

Người bị nhiễm vi khuẩn lao khi đã phát bệnh thường có các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt kéo dài hơn hai tuần, ra mồ hôi đêm, sút cân, ho ra máu, tức ngực… Bệnh nhân lao khi đi khám phát hiện lao sẽ được chương trình phòng, chống lao quốc gia ở các cơ sở y tế quản lý và theo dõi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bản thân người bệnh phải có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt về việc sử dụng thuốc đúng cách để tránh bị kháng thuốc sẽ rất khó khỏi bệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa.

Theo TS-BS Ngô Thanh Bình (chuyên khoa Lao và Bệnh phổi ĐH Y Dược TP.HCM), hiện nay tỉ lệ lao đa kháng thuốc và cả lao siêu kháng thuốc đang làm đau đầu ngành y tế Việt Nam và y khoa toàn cầu. Tại Việt Nam, tỉ lệ lao kháng thuốc là 2,7% (đối với bệnh nhân mới phát hiện lao) và 19% (với bệnh nhân đã qua điều trị), xếp thứ 14/27 nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc.

Bệnh lao kháng đa thuốc (MDR) là bệnh lao mà vi khuẩn lao không còn chịu tác dụng của các thuốc hạng 1 (isoniazid và rifampixin). Bệnh lao siêu kháng thuốc (EDR) là vi khuẩn lao đã kháng lại thuốc hạng 1 và kháng thêm thuốc hạng 2 (như ofloxacin, levofloxacin…) và một loại thuốc tiêm của thuốc hạng 2 (kanamycin, amikaxin…) là vấn đề quan ngại trong điều trị hiện nay. EDR thường gặp ở người có HIV mắc bệnh lao và đây sẽ là nguồn lây bệnh cho cộng đồng. Tất cả vi khuẩn gây bệnh đều có khả năng kháng lại các kháng sinh ở mức độ thấp hoặc cao, còn vi khuẩn lao lại kháng sinh rất cao. Nếu người bệnh không tuân thủ các nguyên tắc điều trị, bỏ trị, vi khuẩn lao sẽ có những đột biến chọn lọc trong các đoạn gien của nhiễm sắc thể làm cho thuốc không giết chết được nó. Bệnh nhân lao kháng thuốc có những dấu hiệu lâm sàng như đang điều trị nhưng sốt, ho khạc ra đàm không cải thiện hoặc bớt một thời gian sau đó bị lại và mức độ nặng hơn…

Như nhiều bệnh khác, với bệnh lao, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Chích ngừa bằng vaccine BCG (phương pháp tiêm trong da) vẫn là cách phòng tránh hữu hiệu nhất hiện nay (theo chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ hai ngày tuổi khỏe mạnh tại các cơ sở y tế đều được tiêm phòng miễn phí). Cơ thể sẽ được miễn dịch khi tiêm phòng, nếu có mắc lao sẽ ở thể nhẹ hơn. Đặc biệt, khi chúng ta tiếp xúc với người nhiễm lao hay nguồn lây bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế N95 (khẩu trang thường không ngăn được vi khuẩn).

HỒNG LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm