Lờn thuốc kháng sinh vì viêm bàng quang

Theo thống kê ở Đức, không dưới 400.000 bệnh nhân, nghĩa là gần 5% dân số, trong số đó 90% là phụ nữ từ tuổi 40, đang khổ vì bàng quang viêm tới viêm lui, chữa hoài không khỏi, với các triệu chứng điển hình như:

- Tiểu nhiều lần trong ngày, có người đến cả chục lần trong giờ làm việc.

- Tiểu không hết, vừa tiểu xong lại mắc tiểu.

- Tiểu buốt khiến nạn nhân không dám tiểu mạnh rồi ấm ức suốt ngày.

- Đau thắt lưng khiến nhiều nạn nhân gõ cửa thầy thuốc khoa chỉnh hình để tìm bệnh cột sống.

- Đau vùng hội âm, kể cả đau hậu môn khiến nhiều người cứ tưởng có vấn đề với đường ruột.

- Đau sau khi giao hợp đến độ cơm chẳng lành canh hết ngọt.

Hậu quả sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ

Viêm bàng quang rõ ràng có khuynh hướng chơi khăm phụ nữ vì ống dẫn tiểu của phái yếu ngắn hơn nên con đường bội nhiễm từ dưới lên trên dễ dàng hơn. Kẹt thêm cho nạn nhân là bệnh ít khi được chẩn đoán chính xác vì thường khi bệnh nhân không đến ngay thầy thuốc niệu khoa. Nạn nhân vì thế thường không được điều trị sớm. Không chỉ với chuyện mất chất lượng cuộc sống, nhiều căn bệnh khác từ đó có thể phát tán oan uổng vì sức đề kháng trên cả hai mặt tâm và thể của nạn nhân khó tránh không bị xói mòn nhanh chóng.

Lờn thuốc kháng sinh vì viêm bàng quang ảnh 1

Châm cứu cũng là một cách tốt để tăng sức đề kháng phòng, chống viêm nhiễm bàng quang.

Nếu quay trở về với bối cảnh của xứ mình lại thêm lắm nỗi nhiêu khê. Trước hết, tỉ lệ mắc bệnh khó thấp hơn xứ người. Kế đến, số nạn nhân đến ngay thầy thuốc càng thấp hơn nữa. Thêm vào đó, quan trọng vô cùng là đa số bệnh nhân “bị” điều trị ngay bằng thuốc kháng sinh bất kể bệnh có do bội nhiễm hay không. Nếu tưởng dùng thuốc kháng sinh không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang thì sai. Bên cạnh phản ứng phụ khó tránh, trước mắt trên đường tiêu hóa, thuốc còn diệt sạch vi khuẩn loại hữu ích khiến người dùng thuốc vừa rối loạn tiêu hóa, vừa mất sức đề kháng. Cũng vì tác dụng diệt khuẩn theo kiểu thà thừa hơn hố nên nấm mốc sống chực chờ trong khung ruột, đường tiết niệu, da đầu, móng tay... có cơ hội bột phát.

Điều trị bằng kích ứng vật lý

Theo kết quả nghiên cứu ở CHLB Đức, đa số trường hợp viêm bàng quang không do bội nhiễm mà vì tác hại của nước tiểu ngay trên niêm mạc của bàng quang. Nước tiểu tuy lúc nào cũng có trong bàng quang nhưng gậy bà sở dĩ đập được lưng bà là vì niêm mạc bàng quang không còn đủ sức tự bảo vệ. Tình trạng này xảy ra thường vì:

- Nạn nhân có thói quen nín tiểu trong giờ làm việc lại thêm uống nước không đủ.

- Nước tiểu của bệnh nhân chứa quá nhiều chất acid do hậu quả của stress, dược phẩm giảm đau, thuốc cảm.

- Phản ứng phụ của thuốc ngừa thai.

- Sức đề kháng, nói chung, bị tiêu hao vì lao tâm, lao lực hay do căn bệnh nào khác chưa được điều trị đến nơi đến chốn, trong số đó đứng đầu là viêm họng mãn vì nguồn bội nhiễm đâu đó trong vùng tai mũi họng, do làm việc trong phòng máy lạnh đóng kín…

Bên cạnh việc điều chỉnh nếp sinh hoạt, thay vì dùng thuốc kháng sinh để rồi tiền mất tật mang lại thêm mau lờn thuốc, thầy thuốc, tất nhiên ở xứ người, hiện nay đang cổ động cho việc áp dụng nhiều phương pháp tương đối đơn giản nhưng hiệu quả thấy rõ như:

- Chườm nóng vùng bụng dưới.

- Ngâm chân nước ấm với tinh dầu cây thuốc.

- Tập thể dục vùng chậu, chẳng hạn theo kiểu mỗi ngày vài lần nằm ngửa đạp xe tưởng tượng không hơn 10 phút.

- Châm cứu nhằm mục tiêu tăng cường sức đề kháng.

- Chạy xung điện để chống co thắt cơ vòng bàng quang.

Tất cả phương pháp kể trên có chung một điểm tương đồng. Đó là không nhồi thêm vào cơ thể đã mỏi mệt các loại hóa chất tổng hợp. Thay vào đó, nhà điều trị mượn kích ứng vật lý để đánh thức sức đề kháng.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Oxy cao áp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm