Mất “súng” vì phát hiện ung thư trễ

Anh NVC 39 tuổi, quê Cà Mau, vài tháng trước đi làm ruộng thì bị đỉa cắn đúng chỗ khó nói gây chảy máu. Sau đó, ngày nào anh cũng thấy ngứa và chảy nước vàng. Thấy “súng” bị sưng lên thành một cục khá lớn và ngày càng đau nên anh đi khám tại BV Ung bướu TP.HCM. Các bác sĩ làm sinh thiết và kết luận anh C. bị ung thư dương vật.

Tương tự, anh NVS 43 tuổi, ở Tiền Giang cũng bị ngứa và khó chịu ở vùng khó nói và tưởng bị viêm nhiễm nên mua kháng sinh về uống. Sau hai tháng uống thuốc nhưng không khỏi mà khu vực đó còn bị lở loét thêm và chảy dịch màu trắng rất hôi, anh S. được đưa đến khám tại khoa Nam học, BV Bình Dân. Sau khi tiến hành sinh thiết mô bướu, các bác sĩ kết luận anh S. bị ung thư dương vật. Các bác sĩ buộc phải đoạn một phần “súng” để tránh di căn sang các vùng khác.

Chủ yếu do hẹp bao quy đầu

Theo ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng, khoa Nam học, BV Bình Dân, ung thư dương vật là một bệnh hay gặp, chiếm 6%-8% tổng số các loại bệnh ung thư. Bệnh hay gặp ở các nước đang phát triển vùng châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, xuất hiện chủ yếu ở những người cao tuổi (40-70 tuổi). Khi mới khởi phát, bệnh thường có biểu hiện ngứa, loét, có khối u ở dương vật và cảm giác rát bỏng dưới da quy đầu.

Mất “súng” vì phát hiện ung thư trễ ảnh 1

Tỉ lệ mổ điều trị bệnh ung thư dương vật trong nghiên cứu của ThS-BS Phạm Hùng Cường, BV Ung bướu TP.HCM.

Nguyên nhân gây ung thư dương vật hiện vẫn chưa xác định rõ ràng. Theo bác sĩ Phạm Đức Nhật Minh, BV Ung bướu TP.HCM, đa số bệnh nhân bị ung thư dương vật đều bị hẹp bao quy đầu (trong nghiên cứu của bác sĩ Minh là 94,7%). Tỉ lệ nhiễm HPV trên bệnh nhân ung thư dương vật tương đối thấp (16,7%), trong đó HPV type 16 chiếm đa số (chiếm 75%). Điều này cho thấy hẹp bao quy đầu và HPV (type 16) là những tác nhân gây nguy cơ ung thư dương vật hàng đầu.

Đồng tình với nhận định này, ThS-BS Bùi Chí Viết, khoa Ngoại II, BV Ung bướu TP.HCM, cũng ghi nhận có đến 100% bệnh nhân bị ung thư dương vật không cắt da quy đầu, trong đó có 80% bệnh nhân có liên quan đến tình trạng da quy đầu thắt bẩm sinh. “Những người không cắt bao quy đầu ở thời kỳ sơ sinh nguy cơ bị ung thư dương vật rất cao (gấp 2-3 lần người bình thường), tình trạng vệ sinh kém, tổn thương dương vật (gấp bốn lần so với người bình thường), hoạt động tình dục bừa bãi (nguy cơ gấp 9,4 lần với người sinh hoạt tình dục lành mạnh). Đặc biệt, hiện nay bệnh nhân ung thư dương vật đang tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa ở những người dưới 40 tuổi. Trong đó, thậm chí có những bệnh nhân chưa lập gia đình, hoặc có gia đình nhưng chưa có con” - bác sĩ Viết cho biết.

“Lau chùi súng” để phòng ngừa ung thư dương vật

Theo bác sĩ Tiến Dũng, đặc điểm của ung thư dương vật là tại chỗ, tại vùng (tiến triển tại chỗ và tại vùng trong một thời gian dài) và chậm di căn đến cơ quan khác. Do vậy, khi chẩn đoán sớm có thể kiểm soát được bệnh này, đồng nghĩa với việc “súng ống” còn bảo toàn. “Nhưng rất tiếc các bệnh nhân khi nhập viện thường ở giai đoạn trễ nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Đa số bệnh nhân đều nhầm tưởng họ bị viêm nhiễm thông thường nên tự điều trị, khi không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều bệnh nhân khi mắc bệnh yêu cầu được giữ lại “súng” để còn “chiến đấu” nhưng chúng tôi bất lực vì ung thư đã vào giai đoạn cuối và đã di căn sang các vùng khác” - bác sĩ Dũng tâm sự.

Để phòng ngừa ung thư dương vật, bác sĩ Viết khuyến cáo mọi người thường xuyên đi khám để phát hiện và phòng ngừa ung thư. Phải tuân thủ tuyệt đối chế độ một vợ, một chồng để phòng tránh lây nhiễm HPV từ những bạn tình bị ung thư cổ tử cung (vì HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục và là tác nhân chính gây ung thư dương vật và ung thư cổ tử cung). Ngoài ra, quý ông cũng không nên lạm dụng rượu, bia, thuốc và nên thường xuyên vệ sinh “súng ống” để phòng tránh các viêm nhiễm và tổn thương.

Một cách phòng ngừa ung thư dương vật chủ động hơn là cắt bao quy đầu ngay từ lúc nhỏ. Điều này sẽ mang lại những lợi ích như giảm nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm nguy cơ ung thư và nguy cơ ung thư cổ tử cung cho bạn tình. Ngoài ra còn giảm thiểu các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lây nhiễm HIV, giảm viêm và rối loạn co rút của dương vật và dễ vệ sinh “súng ống”.

Công trình nghiên cứu của ThS-BS Phạm Hùng Cường trên 171 bệnh nhân bị ung thư dương vật đã điều trị tại khoa Ngoại 2, BV Ung bướu từ năm 2008 đến 2009 cho thấy: Độ tuổi bị ung thư dương vật cao nhất là 41-52; thời gian khởi bệnh nhiều nhất là 9-13 tháng; 86% bệnh nhân nhập viện trễ (giai đoạn T2); 66% người bệnh bị đoạn một phần dương vật khi điều trị, 18% bị cắt bỏ hoàn toàn và 9% bệnh nhân buộc phải cắt bỏ hoàn toàn cơ quan sinh dục; tỉ lệ sống còn sau điều trị trên hai năm là 77%.

NAM TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm