Nấu bằng cồn methanol: coi chừng ngộ độc!

Nấu bằng cồn methanol: coi chừng ngộ độc! ảnh 1

Để giảm nguy cơ ngộ độc methanol, trong quá trình sử dụng cồn khô nấu nướng, nên chọn ngồi xa bếp lửa, tránh không tiếp xúc với khói thoát ra từ bếp. Ảnh: Hồng Thái

Ngại sử dụng bếp gas nấu lẩu dễ gây cháy nổ nên nhiều gia đình, quán ăn đã chọn các loại bếp dùng cồn khô vì nghĩ nhiên liệu này vô hại nhất trong các loại chất đốt. Hơn nữa, dùng bếp cồn còn tiết kiệm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, chọn lựa này chưa chắc an toàn cho sức khoẻ người dùng, bởi nếu mua nhầm loại cồn sản xuất từ chất methanol, nguy cơ ngộ độc rất dễ xảy ra.

Gọi điện thoại đến hai cơ sở bán nhiên liệu sản xuất cồn khô ở TP.HCM, chúng tôi được giới thiệu methanol là thành phần chính để làm cồn nấu nướng. Một ký methanol chỉ 6.000 đồng, trong khi đó cồn ethanol tinh khiết 99% có giá thành 26.000 đồng.

Đánh tráo ethanol bằng methanol

TS Nguyễn Hữu Lương, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển chế biến dầu khí, viện Dầu khí Việt Nam, giảng viên khoa kỹ thuật hoá học, đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết: “Cồn khô còn gọi là cồn rắn, được làm từ cồn ethanol hấp thụ vào chất làm đặc. Khi đốt cháy, cồn tạo ra khí CO2 và nước. Cồn ethanol là nhiên liệu sạch, an toàn cho người sử dụng, không nguy hại như các loại chất đốt từ xăng, dầu khác. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vì giá của loại cồn methanol rẻ hơn phân nửa so với cồn ethanol nên trong quá trình sản xuất, một số người đã thay thế ethanol bằng methanol nhằm thu nhiều lợi nhuận. Methanol là một loại dung môi công nghiệp, dùng trong pha chế sơn, dung dịch lau kính xe, mực in. Nếu dùng methanol để sản xuất cồn khô nấu ăn, chất này có thể gây độc hại cho con người”.

Cũng theo TS Lương, các trường hợp ngộ độc methanol mà báo chí thông tin vừa qua, hầu hết là với những người uống rượu có pha chất cồn này. Tuy nhiên, methanol không chỉ vào cơ thể qua đường tiêu hoá, mà còn qua đường hô hấp và ngấm trực tiếp qua da do tiếp xúc, “Trong quá trình sử dụng cồn khô sản xuất từ methanol, khói thải có thể chứa một lượng hơi methanol chưa kịp cháy, nếu mũi bạn hít phải một lượng lớn hơi methanol, bạn có nguy cơ bị ngộ độc. Ngoài ra, hơi methanol nếu tiếp xúc trực tiếp với mắt, sẽ gây viêm giác mạc, có thể dẫn đến bị mù”, TS Lương cảnh báo.

Dấu hiệu khi bị ngộ độc cồn khô

Cùng ý kiến với TS Lương, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Chiến, giám đốc bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM cho biết thêm, với những trường hợp hít phải hơi của chất methanol hoặc trực tiếp tiếp xúc qua da, mức độ ngộ độc có nhẹ hơn so với ngộ độc qua đường uống. Tuy nhiên nếu để cơ thể tích trữ nhiều, lâu, thì mức độ nguy hiểm sẽ như nhau.

Bệnh nhân ngộ độc do hít phải methanol có thể bị choáng, phía trước mắt họ xuất hiện những điểm mờ, người không tỉnh táo, trạng thái thở gấp gáp, nhanh, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, rát mũi, tổn thương niêm mạc mũi, thậm chí co giật, động kinh... Nếu mắt tiếp xúc trực tiếp với khí thải có chứa methanol, sẽ nhìn không rõ, có cảm giác xốn cay, đồng tử dãn... “Khi phát hiện những bất thường này, người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu, giảm thiểu những tổn thương đáng tiếc”, BS Chiến lưu ý.

Phân biệt cồn ethanol và cồn methanol

Khi đốt lên, nếu là cồn ethanol sẽ cho ngọn lửa màu vàng, không hăng. Còn cồn methanol cháy cho ngọn lửa màu xanh, nhiều mùi hăng, khét, có thể làm cay mũi, rát mũi, chảy nước mắt. Tốt nhất, trong quá trình sử dụng, nên chọn ngồi xa bếp lửa, tránh không tiếp xúc với khói thoát ra từ bếp. Khi mua cồn viên khô, nên chọn sản phẩm có dán nhãn mác rõ ràng.

Theo Cát Minh (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm