Thanh toán BHYT: BHXH than khó, người bệnh than khổ

“Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) và thực hiện quy định cùng chi trả, nhất là nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng…”. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, nói ngày 29-6 tại buổi tổng kết một năm thực hiện Luật BHYT.

Thiếu nhạc trưởng

Theo Bộ Y tế, sau một năm thực hiện Luật BHYT đã có hơn 11.000 cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT (trong đó gần 10.000 trạm y tế xã, còn lại là tư nhân) và có đến 87,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT (ngoại trú: 82 triệu, nội trú: 6 triệu)…

Bà Hương cho biết đã có tới 17 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT và đã được tuyên truyền rầm rộ ở nhiều kênh thông tin, thế nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn rất chậm. Hiện chỉ có 70% số người có trách nhiệm tham gia. Cạnh đó, với bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mạn tính, bệnh nặng… luật quy định là phải cùng chi trả (5%-20%) chi phí khám, chữa bệnh nhưng không có tiền để đóng. Bộ đã nhận nhiều kiến nghị của những người đang chạy thận đề nghị không thực hiện việc cùng chi trả này... Chưa hết, chuyện thanh toán BHYT cho các trường hợp TNGT khó khăn vì chuyện xác định tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông…

Thanh toán BHYT: BHXH than khó, người bệnh than khổ ảnh 1

Giảm tối đa thời gian chờ đợi cho bệnh nhân là mục tiêu của ngành y tế. Ảnh: TỐ NHƯ

Theo bà Hương, nguyên nhân của các chuyện trên là do một số chủ sử dụng lao động “lờn” vì chế tài không mạnh nên không mua BHYT cho người lao động… “Điều quan trọng là việc xây dựng chính sách, văn bản chỉ đạo đã thiếu sự “bắt tay” chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Chưa làm tốt việc xác định đối tượng để lập danh sách cấp thẻ BHYT, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi” - bà Hương nói.

“Tiền đã trảm, hậu khó tấu”

Với chuyện thanh toán BHYT cho người bị TNGT, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, khẳng định: Không đủ thẩm quyền để thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Theo ông Thảo, việc BHXH căn cứ vào hồ sơ, tài liệu vụ TNGT do cảnh sát cung cấp để xác minh, giải quyết quyền lợi cho người bị TNGT là không khả thi. Chưa hết, “chuyện buộc người bị TNGT hoàn trả chi phí khám, chữa bệnh trong các vụ TNGT nếu sau khi thanh toán BHYT lại xác định họ vi phạm pháp luật về giao thông là không tưởng! Bởi lẽ có trên 50%, thậm chí đến 90% số vụ TNGT là có vi phạm, trong khi chi phí mỗi ca bệnh cả trăm triệu đồng, làm sao chúng tôi có thể thu hồi được tiền của họ”- ông Thảo nói.

Dù ông Thảo than phiền là không đủ thẩm quyền để phân định có hay không chuyện vi phạm giao thông của người bệnh nhưng bà Hương vẫn “gợi ý”: BHXH vẫn phải căn cứ trên hồ sơ đã xác minh để thanh toán BHYT. Nếu xác định có vi phạm, người bệnh vẫn đang nằm viện thì họ tự thanh toán toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Nếu họ đã ra viện, BHXH thông báo với người bệnh và thu hồi số tiền BHYT đã thanh toán. Trường hợp không thu hồi được, BHXH báo liên bộ Y tế và Tài chính.

Nhìn nhận sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm và y tế là chưa tốt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên yêu cầu thời gian tới, các địa phương giải quyết nhanh việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, đảm bảo quyền lợi của trẻ em dưới sáu tuổi và chống lạm dụng quỹ BHYT.

Với việc thanh toán BHYT trong các vụ TNGT, tháng 6-2010, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản “tuýt còi” Thông tư 09-2009 của liên bộ Y tế - Tài chính. Theo Cục Kiểm tra văn bản, việc quy định người bệnh tự thanh toán BHYT khi chưa xác định có vi phạm pháp luật giao thông hay không của thông tư là trái với tinh thần và nội dung Luật BHYT… Sau đó Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã điều chỉnh là chi trả ngay mà không cần chờ xác định có vi phạm luật hay không. Việc xác định có vi phạm luật giao thông hay không sẽ tiến hành sau do cơ quan BHXH thực hiện.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm