Thoát chết nhờ sơ cấp cứu ban đầu

“TP.HCM hiện có gần 1.050 chốt sơ cấp cứu nằm rải rác khắp 24 quận, huyện và trên các tuyến đường giao thông lớn nhỏ. Những năm qua, các tình nguyện viên sơ cấp cứu đã sơ cứu tại chỗ nhiều ca tai nạn trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện mà trong đó có không ít trường hợp nguy kịch” - BS Lê Quang Ninh, Giám đốc Trung tâm Sơ cấp cứu thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, nhìn nhận.

Sơ cứu tai nạn giao thông

Vừa là chủ tiệm thuốc Tây nằm ngay ngã ba Tây Lân và quốc lộ 1A (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), chị Huỳnh Thị Phương Ánh vừa kiêm tình nguyện viên sơ cứu gần sáu năm sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu.

Chị Ánh cho biết quốc lộ 1A đoạn đi qua phường Bình Trị Đông A lúc nào cũng đông người nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Trung bình mỗi tuần có 5-7 vụ nặng nhẹ. “Do chốt sơ cấp cứu có để bảng và số điện thoại nên nạn nhân được đưa tới hoặc người đi cùng gọi điện thoại báo, khi đó tôi sẽ đến sơ cứu tại chỗ. Cũng có khi do được phổ biến trước nên những hộ dân gần nơi xảy ra tai nạn trực tiếp gọi điện thoại đến chốt nhờ sơ cứu bệnh nhân” - chị Ánh cho biết thêm.

Thoát chết nhờ sơ cấp cứu ban đầu ảnh 1

Chốt sơ cấp cứu của chị Ánh ở phường Bình Trị Đông A (Bình Tân). Ảnh: TRẦN NGỌC

Cũng trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua ấp 3, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) có chốt sơ cấp cứu của ông Nguyễn Thanh Phong. Vừa bán hàng phụ vợ, ông Phong vừa làm nhiệm vụ sơ cứu cầm máu, hô hấp nhân tạo, nẹp xương… cho không ít người bị nạn.

Ông Phong kể: “Cách đây vài ngày, do đêm khuya xe vắng nên một thanh niên chạy xe máy với tốc độ cao. Bất ngờ bánh xe trước bị bể, người thanh niên ngã nhào, không thể gượng dậy. Nhận được điện thoại báo của một hộ dân gần nơi tai nạn, tôi chạy vội đến, xác định người thanh niên đã bị gãy chân nên tiến hành nẹp xương rồi đưa đi bệnh viện. Bác sĩ cho biết nếu không cố định xương trước khi đưa đến bệnh viện thì nạn nhân sẽ rất đau đớn, thậm chí khó giữ lại bàn chân.

Làm luôn điện giật, té ngã...

Chẳng những sơ cứu các tai nạn giao thông, nhiều tình nguyện viên còn sơ cứu cả tai nạn sinh hoạt như điện giật, té ngã, ngạt thở…

Là phó trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây (quận 6), bà Trần Thị Mến còn phụ trách hai chốt sơ cấp cứu của chợ. Bà Mến cho biết chợ Bình Tây lúc nào cũng đông người, nhất là các ngày nghỉ lễ và cuối tuần nên không tránh khỏi tình trạng chen lấn. “Nhiều trẻ em và người lớn tuổi bị xô đẩy, không khí lại ngột ngạt nên ngất xỉu. Những lúc như vậy các tình nguyện viên sơ cứu của chợ nhanh chóng có mặt, đưa nạn nhân đến chỗ thông thoáng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ đường thở” - bà Mến nói.

Theo bà Lê Thị Bửu Trang, Hội Chữ thập đỏ quận 6, ngoài chợ Bình Tây, nhiều ngôi chợ khác trong quận như Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tiên… cũng thành lập chốt sơ cấp cứu để sơ cứu kịp thời các tình huống xảy ra. Các chốt sơ cấp cứu còn được đặt tại các giao lộ nhỏ trong khu dân cư hoặc những nơi đông người tụ tập, sinh sống để sơ cứu các trường hợp giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt. “Tình nguyện viên của các chốt đã sơ cứu rất nhiều trường hợp như đụng xe, té ngã, điện giật, chảy máu, phỏng, kể cả trẻ nhỏ bị ngạt đường thở do ăn uống” - bà Trang cho biết thêm.

Gặp chuyện dở khóc dở cười

Ông Trương Minh Thành, Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Chánh, cho biết huyện có trên 50 chốt sơ cấp cứu với khoảng 150 tình nguyện viên gồm những người đã và đang công tác trong ngành y, cán bộ về hưu, người lao động, buôn bán… “Ngoài công việc mưu sinh hằng ngày, các tình nguyện viên còn tham gia sơ cứu tai nạn sau khi đã qua đào tạo. Các chốt sơ cấp cứu thường được đặt ngay nhà tình nguyện viên. Mỗi khi nhận được điện thoại báo, bỏ ngang công việc đang làm, các tình nguyện viên có mặt ngay nơi xảy ra tai nạn để kịp thời cầm máu, băng bó, hô hấp nhân tạo, cố định xương… cho người bị nạn, sau đó kêu xe chở đến bệnh viện. Họ làm với một tinh thần tương thân, tương ái, cho dù không công” - ông Thành cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Bình Tân, cho rằng chẳng những không nhận bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào, tình nguyện viên sơ cấp cứu còn gặp không ít tình huống dở khóc dở cười.

Ông Nhựt kể: “Do không có người thân nên sau khi được sơ cứu, người bị nạn được tình nguyện viên đưa đến bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Bác sĩ bệnh viện cho rằng tình nguyện viên là người… gây tai nạn nên khăng khăng giữ lại, không cho về. Tình nguyện viên cố gắng biện minh, đồng thời trình thẻ chứng nhận do Trung tâm Sơ cấp cứu TP.HCM cấp mới được… tha bổng”.

Ông Nhựt còn cho biết cũng có trường hợp sau khi đưa người bị nạn đến bệnh viện, tình nguyện viên phải… trả tiền xe taxi bởi người bị nạn không đủ tiền. “Nếu không vì tình đồng loại, tinh thần tương thân tương ái thì không một ai tình nguyện tham gia sơ cấp cứu” - ông Nhựt nêu quan điểm.

Sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, có thể quyết định sự sống chết, phục hồi chức năng hoặc tàn tật vĩnh viễn đối với người bị nạn. Trong sơ cấp cứu ban đầu, thời gian quyết định mạng sống người bị nạn. Nếu chậm trễ, tim sẽ ngừng đập. Chậm trễ trong vòng 4 phút, não có thể bị tổn thương. Chậm trễ trong 10 phút, não tổn thương không thể phục hồi.

Hằng năm, Trung tâm Sơ cấp cứu TP.HCM đều mở các khóa đào tạo sơ cấp cứu. Hoàn thành khóa đào tạo, học viên có thể tự sơ cứu cho chính mình và người khác.

BS LÊ QUANG NINH, Giám đốc Trung tâm Sơ cấp cứu TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm