Tỉ lệ bé trai bị tự kỷ cao gấp bốn lần bé gái

Tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển hay gặp ở trẻ em. Trẻ bị mắc tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.

Số liệu của BV Nhi Trung ương cho thấy số trẻ đến khám và chẩn đoán tự kỷ tăng nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2006 có 200 trẻ (năm 2007: 405 trẻ, năm 2008: 963 trẻ, năm 2009: 1.015 trẻ) thì năm 2010 con số là gần 1.700 trẻ.

Thống kê tại BV Nhi đồng 1, TP. HCM, năm 2000 bệnh viện điều trị cho hai trẻ tự kỷ thì bốn năm sau (năm 2004) con số này là 170 trẻ, đến năm 2008 là 324 trẻ.

Ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có số liệu chính thức về tỉ lệ mắc hội chứng tự kỷ.

Theo TS Nguyễn Thị Hương Giang, BV Nhi Trung ương, các nhà khoa học đã phát hiện có ba nhóm nguyên nhân gây tự kỷ đó là tổn thương não, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Tuy nhiên, lý giải vì sao trẻ nam lại mắc chứng tự kỷ cao gấp bốn lần trẻ nữ thì khoa học chưa giải thích được.

PGS-TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết phần lớn các bác sĩ nhi khoa tại Việt Nam chưa hiểu rõ về tự kỷ và không có các kỹ năng chẩn đoán sớm. Vì vậy, nhiều trẻ được phát hiện tự kỷ ở giai đoạn muộn, trong đó 76% trẻ được phát hiện sau hai tuổi, chỉ 2,3% trẻ được chẩn đoán trước hai tuổi.

ThS tâm lý Nguyễn Thu Hà, BV Nhi Trung ương, nhấn mạnh: “Trẻ tự kỷ không thể chờ đợi thời gian nên việc hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội là rất cần thiết. Nếu thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, trẻ sẽ thiếu tình yêu thương, thiếu sự quan tâm dạy dỗ và giáo dục. Nếu thiếu sự hỗ trợ từ xã hội, trẻ sẽ thiếu cơ hội hòa nhập cộng đồng”.

Tuy nhiên, điều mà nhiều bậc phụ huynh lo ngại là ở Việt Nam chưa có một mô hình can thiệp sớm nào để phát hiện và điều trị cho trẻ tự kỷ; các hình thức chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ chưa được tiến hành đồng bộ và hiệu quả, thậm chí nhiều trường học đã từ chối học sinh tự kỷ.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm