Trị lõm ngực không khó

Hiện tượng lõm xương ức kéo theo sự phát triển bất thường các sụn sườn lân cận, gây ra hiện tượng đau ngực tại các vị trí này. Qua nhiều năm, người ta nhận thấy một số bệnh nhân lõm ngực bẩm sinh có bất thường sinh lý.

Lõm ngực nhiều làm bệnh nhân khó thở, hay bị mệt và suy dinh dưỡng. Một số bệnh nhân bị hồi hộp, đánh trống ngực hoặc khó thở khi hoạt động gắng sức. Nhiều bệnh nhân đến khám với lồng ngực bị lép và lõm nhiều, gầy trơ xương và có cả những trường hợp suy giảm trí thông minh do bị suy dinh dưỡng. Bệnh nhân thường có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực do tim bị xoay và bị chèn ép. Những triệu chứng này sẽ mất đi sau phẫu thuật.

Dị tật này có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc ở tuổi dậy thì nếu thầy thuốc cũng như gia đình để ý. Mức độ lõm ngực có thể giữ nguyên như sau khi sinh đến lúc trưởng thành và không tự khỏi. Đa số các trường hợp diễn tiến nặng dần và nặng lên rất nhanh trong giai đoạn dậy thì.

Từ lâu, người ta đã biết đến lõm ngực bẩm sinh nhưng rất lúng túng trong điều trị. Một thời gian khá dài, bệnh nhân được thầy thuốc khuyên nên tập vật lý trị liệu, chế độ ăn giàu chất canxi nhưng đều thất bại. Một số thầy thuốc khác đề ra phương pháp điều trị lõm ngực bẩm sinh bằng phẫu thuật cắt sụn sườn và cắt xương ức, sau đó cố định lại bằng chỉ thép nhưng phần lớn các phẫu thuật này đều phức tạp và nặng nề, khả năng tàn phá lồng ngực lớn mà hiệu quả không cao. Hiện nay, trên thế giới, những phẫu thuật này không được phép thực hiện nữa vì di chứng của nó cho bệnh nhân là rất nặng nề do gây bất sản lồng ngực đưa đến hiện tượng teo ngực, cản trở và gây suy hô hấp nặng.

Từ khi bác sĩ Nuss, phẫu thuật viên nhi khoa tại Bệnh viện King Daughter Children’s Hospital ở Florida (Mỹ), tiên phong thực hiện phẫu thuật nâng ngực dựa trên nguyên tắc sử dụng những thanh đỡ bằng kim loại (từ năm 1986 đến 1997, ông báo cáo đã thực hiện trên 42 bệnh nhân), nhiều bệnh viện ở Mỹ và châu Âu đã thực hiện phẫu thuật này.

Ở Việt Nam, phẫu thuật nâng ngực dựa trên nguyên tắc sử dụng những thanh đỡ bằng kim loại đã được các chuyên gia Hàn Quốc chuyển giao cho một số bệnh viện lớn tại TPHCM (như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh…). Tuy mới áp dụng từ năm 2008 đến nay nhưng đã có hàng ngàn bệnh nhân được điều trị với kết quả tốt.

Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TPHCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm