Việt Nam phát hiện ung thư muộn

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Theo GS Goto, kỹ thuật chữa trị ung thư của các bác sĩ Việt Nam khá tốt, tuy nhiên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn khá muộn, khi mà khối ung thư đã ở giai đoạn cuối. “Ở Nhật Bản, hằng năm người dân được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư. Nhờ có các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm nên tỉ lệ điều trị phẫu thuật triệt căn ung thư đạt hiệu quả cao. Nhưng ở Việt Nam, người dân không thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thậm chí có người ba, bốn năm không đến bệnh viện (BV) một lần. Đến khi bệnh nặng mới đến BV, như vậy là quá muộn, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra” - ông phân tích.

Ông Goto đánh giá một số BV như Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy có kỹ thuật rất tốt, tuy nhiên những BV này thường xuyên quá tải, dẫn đến việc đáp ứng các dịch vụ y tế đến người dân còn hạn chế. “Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân để phát hiện sớm ung thư” - ông Goto nói.

BS Phạm Văn Thái, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tại Việt Nam, hằng năm có trên 100.000 trường hợp mới mắc và 82.000 trường hợp tử vong vì các bệnh ung thư, trong đó ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất. Nguyên nhân gây tử vong cao là do người bệnh phát hiện và điều trị muộn.

“Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Bạch Mai cho thấy tỉ lệ mắc ung thư gan của TP. HCM là 38,2%, kế đó là ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Trong khi đó tại Hà Nội, ung thư phổi chiếm gần 40%, tiếp đó là ung thư gan và ung thư vú” - BS Thái cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản cũng đã chia sẻ các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, qua đó chuyển giao công nghệ và phương pháp điều trị ung thư tiên tiến của Nhật Bản sang Việt Nam.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm